Tìm lại hương vị 'cơm nhà'
Giữa nhịp sống phố thị, những người bận rộn vẫn mong muốn tìm lại hương vị cơm nhà, quay trở về với những món ăn dân dã mang đậm hơi thở quê hương ở một quán ăn lạ, nhưng… gần gũi.
Tìm chút thân quen nơi quán lạ
Bận rộn công việc, không thể vào bếp, vợ rủ tôi ghé vào một quán cơm ở đường Huỳnh Tấn Phát (TP. Huế). Bước vào quán, chúng tôi bị cuốn hút bởi không gian nơi đây, từ cách bài trí bộ bàn ghế gỗ, ống đựng đũa tre, đến những bộ chén dĩa kiểu xưa có chút sứt mẻ. Như ngược dòng thời gian, lập tức những ký ức mâm cơm bên ông bà, cha mẹ lại trở về trong tâm trí tôi.
Bên chiếc bàn như đã nhuốm màu thời gian, mẹt cơm được dọn lên đúng chuẩn “cơm mạ nấu”. Không phải là những món cầu kỳ, sơn hào hải vị, thực đơn mỗi mẹt cơm vài chục nghìn đồng chỉ có dĩa rau xào, vài khúc cá kho, tô canh mít, vài lát thịt luộc và dĩa mắm cà. Tất cả đều rất ít ỏi, nhưng lại đủ sức hấp dẫn. Qua chiếc loa cũ, âm nhạc từ những bản nhạc xưa vang lên, khiến thực khách có cảm giác như trở về hoài cổ, gần gũi, thân thương.
Đã không ít lần, do bận rộn không thể vào bếp, vợ chồng tôi phải chọn ăn ngoài. Những lần như thế, chúng tôi lại thích tìm đến những quán cơm theo kiểu… cơm nhà. Những quán ăn theo phong cách này thời gian gần đây tại TP. Huế được mở ra nhiều, nhưng đặc biệt là những buổi trưa thường khá đông, đa phần là sinh viên, dân văn phòng, những người lao động không đủ thời gian để trở về cho bếp nhà “đỏ lửa”. Điểm đặc biệt là những quán cơm này lại đổi món theo ngày. Ngoài những món theo dạng khẩu phần cho mỗi mẹt, khách còn có thể gọi thêm một vài món yêu thích.
Nguyễn Trần Thiện Mỹ, một sinh viên ở Huế kể: “Có những ngày, em và bạn cùng trọ lại rủ nhau “tắt bếp” rồi tìm đến các quán cơm nhà. Không phải vì lười nhác nhưng rời xa vòng tay gia đình, thi thoảng lại nhớ những mâm cơm mẹ nấu, thèm món cá kho mặn, thèm chút ruốc sả, hay miếng thịt kho tàu mà chỉ có cơm nhà mới mang lại”.
Cuộc sống hiện đại, với sự hỗ trợ của công nghệ, khách dễ dàng đặt đồ ăn với rất nhiều lựa chọn món ăn khác nhau. Một thời, các bạn trẻ, nhất là dân văn phòng, sinh viên ưa thích chọn đồ ăn nhanh. Nhưng giờ đây, không ít người lại mang trong mình niềm yêu thích “lạc hậu”, quay trở về với những món ăn dân dã mang đậm hơi thở quê hương.
Ngô Thị Lan Hương, nhân viên của một công ty tại TP. Huế chia sẻ, hồi mới xa quê lên thành phố để học, cô cũng có thói quen la cà quán sá, từ mì cay, gà rán KFC, pizza vào những lúc có tiền. Tuy nhiên khi đi làm, ít có thời gian trở về nhà, bỗng nhiên cô lại thèm những dư vị mộc mạc của quê nhà. “Thực sự, từng có một giai đoạn, em ao ước được ngồi nhà hàng, ăn đồ tây. Bây giờ mới thấy, “cơm mạ nấu” vẫn là tuyệt nhất. Nên cứ có dịp em lại tìm đến những quán cơm nhà. Ở đó, dù vẫn là hàng quán nhưng có chút gì đó gần gũi, thân thương và có hương vị bữa cơm gia đình”, Hương thổ lộ.
Học cách nấu bữa cơm gia đình
Nhớ da diết những bữa cơm nhà, nhưng không phải ai cũng có sở thích và điều kiện để tìm đến các quán cơm. Để đáp ứng được yêu cầu không ra quán nhưng vẫn có cơm nhà, nhiều bạn trẻ chọn cách tự lực cánh sinh, học cách nấu bữa cơm gia đình ngay trong phòng trọ.
Cao Thái Hà, sinh viên một trường thuộc Đại học Huế kể: “Hồi mới vào Huế, em vẫn chưa biết nấu ăn, lại chưa quen bạn bè nhiều. Thèm cơm nhà, nên đóng tiền nhờ dì chủ trọ nấu. Sau này, khi dì bận rộn, không thể nấu ăn đều đặn hàng ngày, em phải chuyển sang ăn cơm hộp. Nhưng sau thời điểm ấy, em bắt đầu học nấu ăn, rồi kết bạn với những người chung dãy trọ. Tụi em góp tiền đi chợ, nấu những bữa cơm gia đình rồi cùng nhau ăn”.
Theo Thái Hà, những bữa cơm “thuần Việt” thực ra không quá khó nấu. Nguyên liệu có khá đầy đủ ở chợ. Chỉ cần lên mạng tìm công thức, bắt chước cách trình bày từ các hàng quán là có thể có được vị cơm nhà, dù không xuất sắc như mẹ nấu hay những hàng quán chuyên nghiệp.
Có lần, tôi bắt gặp nhóm bạn sinh viên ra chợ Đông Ba, tìm mua những chén đĩa kiểu xưa. Hỏi ra mới biết, các bạn trẻ mua về để làm cho giống bữa cơm quê gia đình. Có nhiều người xem đó là cách sống ảo để đăng facebook, nhưng lại là một ý niệm khác về hạnh phúc của giới trẻ. Bởi khi xa quê hương, nhớ về những bữa cơm gia đình, quay về với nét xưa mộc mạc, thân thuộc đó cũng là nét dễ thương giữa nhịp sống hiện đại.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/tim-lai-huong-vi-com-nha-149149.html