Tìm lại 'thuở vàng son' cho áo dài xứ Huế
Trải qua nhiều năm thăng trầm, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam đã trở thành một biểu tượng, bản sắc văn hóa về trang phục Việt. Riêng với xứ Huế, áo dài còn mang một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ.
Huế - Chiếc nôi của áo dài
Áo dài truyền thống có lịch sử từ rất lâu đời, gắn liền với đời sống của người Việt Nam và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Với Huế, vẻ đẹp của người phụ nữ được toát lên qua tà áo dài truyền thống. Đó còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của người phụ nữ Cố đô.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thừa Thiên Huế khẳng định, Phú Xuân – Huế chính là chiếc nôi khai sinh của tà áo dài Việt Nam. Từ những năm 1740, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài Huế đã xuất hiện và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong.
Để áo dài phục sinh trên đất Huế chính là để làm giàu thêm cho Huế, giàu cả về những giá trị văn hóa và giàu lên nhờ dịch vụ áo dài phát triển. Thương hiệu áo dài Huế phát triển sẽ kéo theo du lịch Huế, kinh tế xã hội Huế phát triển.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa
Trải qua nhiều năm thăng trầm, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam đã trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa về trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng với các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu.
Riêng xứ Huế, áo dài còn mang một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ. Ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục, với Huế áo dài vừa là một phần trong lễ phục, vừa là y phục thường ngày. "Huế là người mẹ đã sản sinh và nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam, áo dài cũng từng góp phần tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Huế", ông Hoa nói.
Tự hào là vậy, nhưng cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoa, với những thăng trầm của thế sự, từng có lúc áo dài Huế như viên ngọc quý đã bị lớp bụi hờ hững của người đời che lấp hết đi vẻ đẹp vốn có. Mãi từ năm 1990 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài mới dần hồi sinh với diện mạo mới.
Đến nay, áo dài Huế vẫn đang đứng trước những xu hướng cách tân nên chắc chắn sẽ không có một mẫu áo dài nào bất biến, càng không thể có một mẫu áo dài chỉ dành riêng cho Huế. Tuy nhiên, hiện phần đông phụ nữ Huế vẫn hướng đến những kiểu dáng mà giá trị đã được sàng lọc qua thời gian.
Phát triển thương hiệu cho áo dài Huế
Thời gian vừa qua, nhằm đưa áo dài Huế trở lại "thuở vàng son", tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều việc làm tích cực như: Tổ chức lễ hội áo dài Huế gắn với Festival Huế và Festival truyền thống Huế, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ và nữ sinh mặc áo dài sáng thứ 2 đầu tuần hay miễn vé tham quan di tích đối với phụ nữ mang áo dài trong các dịp lễ, tổ chức hội thảo về áo dài Huế… Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tỉnh táo, áo dài vẫn chưa thực sự hồi sinh trong cuộc sống hàng ngày của người dân, vẫn chưa tạo được một chuyển động trong đời sống kinh tế xã hội ở Huế.
Cần phải làm gì để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với áo dài Huế, đưa áo dài Huế trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Huế, nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và duyên dáng của người phụ nữ Cố đô. Đồng thời, tìm ra những ý tưởng và các giải pháp phát triển thương hiệu áo dài Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng nổi tiếng của Cố đô Huế là trăn trở chung của rất nhiều người.
Theo ông Lê Đăng Thọ - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), việc đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm áo dài Huế là hết sức cần thiết. Qua đó, sẽ mở ra cơ hội cho Hiệp hội Áo dài Huế tiếp cận với các nhà thiết kế danh tiếng trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ. Ngoài lợi ích kinh tế, việc này còn góp phần quảng bá du lịch Huế nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho hay, áo dài Huế là thương hiệu vừa mang bản sắc riêng của Huế, vừa nằm trong tập hợp sản phẩm áo dài Việt Nam và đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, góc nhìn của maketing là đứng từ phía khách hàng quốc tế, do đó để có một chiến lược thương hiệu cho áo dài Huế cần phải tham khảo các tiêu chí của quốc tế như: giá trị truyền thống, lịch sử và di dân, nghệ thuật và văn hóa địa phương,… Dựa trên hệ thống tiêu chí chung này, tập thể quản lý thương hiệu sản phẩm sẽ so sánh đối chiếu về khả năng nâng cao giá trị thương hiệu thông qua từng tiêu chí, từ đó định hướng cho các chiến lược phát triển.
Ông Trần Đình Hằng – Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, để phát huy giá trị đặc trưng của áo dài Huế, địa phương cũng nên xây dựng một trung tâm lễ phục truyền thống. Trung tâm này như một tổ hợp với nhiều cấu trúc không gian khác nhau gồm không gian lễ tân, bảo tàng, không gian sản xuất, không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm để phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức và mua sắm cho du khách khi đến Huế.
Theo ông Hằng, về phương diện lịch sử văn hóa, việc kết nối truyền thống và hiện đại, thổi hồn lịch sử và văn hóa vào trong từng tiểu không gian, từng sản phẩm sẽ càng mang lại nhiều giá trị cao, đặc trưng cho sản phẩm.
"Văn Miếu, Di Luân đường Quốc Tử giám, lầu Tứ Phương Vô Sự… sẽ là không gian đặc hữu cho những sản phẩm du lịch gắn liền với biểu tượng giáo dục, khoa cử truyền thống; ngôi nhà của Đức Từ Cung hay Bình An đường tương tự cũng là không gian đặc hữu cho những dấu ấn đặc biệt liên quan tới quý bà, mà nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm nữ phục truyền thống Huế, hay mở rộng ra là một trung tâm lễ phục truyền thống Huế. Các mẫu áo dài hay lễ phục truyền thống cung đình quý tộc Huế, thậm chí riêng các mẫu áo dài tân thời Le Mur của Hoàng hậu Nam Phương cũng sẽ là những hiện vật, tư liệu và hình mẫu tham khảo quý giá", ông Hằng gợi ý.
Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tim-lai-thuo-vang-son-cho-ao-dai-xu-hue-20200116151410343.htm