Tìm lại 'tiếng leng keng tàu điện' cho Hà Nội
Hà Nội đã có đường sắt đô thị (ĐSĐT) từ hơn một thế kỷ trước, 'tiếng tàu điện leng keng' đã đi vào ký ức, trở thành nỗi nhớ và tình yêu của biết bao thế hệ.
Đến nay, TP lại đang có cơ hội để vừa tìm lại hình ảnh đẹp đến nao lòng đó, vừa tạo nên một điểm nhấn hiện đại có giá trị lưu trữ, tái hiện những ký ức về ĐSĐT cho các thế hệ tương lai.
Lưu giữ lịch sử
Năm 1895, khi dân số Hà Nội có chưa đến 100.000 người, kế hoạch cho một mạng lưới tàu điện đã được hình thành. Năm 1889, TP bắt đầu hiện thực kế hoạch đó. Ban đầu, TP có 3 tuyến tàu điện với tổng chiều dài khoảng 13,1km. Đến năm 1943, mạng lưới này đã có 5 tuyến, lấy hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và tỏa ra các hướng với tổng chiều dài khoảng 30km.
Tuyến số 1: từ phía Bắc hồ Hoàn Kiếm dẫn về phía Nam đến khu Bạch Mai (hiện nay gần Chợ Trời), đến năm 1905, kéo dài đến Chợ Mơ. Tuyến số 2: từ hồ Hoàn Kiếm theo hướng Đông Bắc đến làng Giấy, gần chợ Bưởi ngày nay. Tuyến số 3: từ hồ Hoàn Kiếm theo hướng Tây đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau đó đi về phía Tây Nam đến Thái Hà, rồi kéo dài đến Hà Đông vào năm 1914, đến chợ Cầu Đơ vào năm 1938. Tuyến số 4: tiếp nối từ tuyến số 3, rẽ về phía Tây hướng đến Cầu Giấy ngày nay. Tuyến số 5 rẽ nhánh từ tuyến số 3 đi về phía Nam dọc theo đường Lê Duẩn đến Kim Liên, và theo hướng Bắc, từ Cửa Nam đến khu Yên Phụ.
Ngoài ra, tuyến số 5 cũng đi qua đường ray của tuyến số 2 (tại bốt Hàng Đậu); năm 1943, được kéo dài về phía Nam tới phố Đại La để phục vụ Bệnh viện Bạch Mai. Trên thực tế, vào năm 1968, Hà Nội còn xây dựng thêm một đoạn đường ray mới từ giao lộ Cửa Nam dọc theo Điện Biên Phủ nối lại tuyến số 2 ở phía Nam hồ Trúc Bạch.
Đầu những năm 1980, những đường ray, dây xích và các toa tàu đã bị xuống cấp đến mức không còn sử dụng được, dẫn đến tuyến số 1 phải ngừng hoạt động vào năm 1982. Sau đó là tuyến số 4, số 3 và số 5 cũng dừng khai thác; tuyến số 2 ngừng hoạt động vào năm 1989.
Năm 1986, tuyến số 4 đã được mở lại, và các đầu máy của xe điện cũ được thay thế bởi những chiếc xe điện bánh hơi được tài trợ từ Đông Âu, chạy bằng dây cáp điện. Tuy nhiên, đến năm 1993, những chiếc xe điện bánh hơi cũng dần biến mất trong quá trình hiện đại hóa, chấm dứt sự tồn tại hàng thế kỷ của “tàu điện leng keng”.
Trong suốt thời kỳ đó, mạng lưới tàu điện của Hà Nội đã vận chuyển trên 40 triệu lượt khách mỗi năm. Hình ảnh những chuyến tàu hướng về hồ Hoàn Kiếm - trái tim Thủ đô, với nhiều thế hệ người Hà Nội xưa đã trở thành một hình tượng, một nét văn hóa, tàu điện đã trở thành chứng nhân lịch sử của TP. Nỗi nhớ khôn nguôi về một thời đã qua, về hình ảnh những đoàn tàu nhuốm đầy bụi thời gian, ngân nga tiếng “leng keng” trên phố vắng vẫn luôn khắc sâu trong tâm hồn người Hà Nội.
Hà Nội đã quy hoạch và đang xây dựng hệ thống ĐSĐT hiện đại - xương sống của mạng lưới vận tải công cộng đồng thời cũng là một nét văn hóa, văn minh trong thời kỳ mới. Trong đó, nhiều tuyến ĐSĐT đã có tính kế thừa lịch sử, kinh nghiệm quý giá trong việc phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông.
Dưới góc nhìn hiện đại nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa vốn có, thiết nghĩ Hà Nội cần có một điểm nhấn, một vị trí bảo tồn những dấu tích của tàu điện từ xa xưa đến hiện tại để tô điểm thêm trong không gian mới, lưu giữ cho tương lai những ký ức vô giá về tiến trình lịch sử của Thủ đô.
Giao lộ cảm xúc
Hà Nội đang dần hình thành hệ thống ĐSĐT mới. Với những tố chất khỏe khoắn, mạnh mẽ, ưu việt, ĐSĐT mới sẽ trở thành xương sống của vận tải công cộng Thủ đô.
Mỗi chuyến tàu có thể chở hàng nghìn người, đi trên cao hoặc đi ngầm. Khác với vẻ đẹp trầm lắng của tàu điện mặt đất, tàu điện trên cao hoặc đi ngầm lại mang một vẻ đẹp hiện đại. Việc tạo nên một “Giao lộ leng keng” giữa tàu điện mặt đất trong quá khứ và tàu điện hiện đại hoàn toàn có thể thực hiện được với những điều kiện sẵn có.
Bởi hiện nay các nhà ga ĐSĐT, đều được thiết kế với 2 hoặc 3 tầng cơ bản: tầng 1 - tầng trung chuyển (nơi đón tiếp hành khách, bán vé, soát vé), tầng 2 - tầng kỹ thuật và tầng 3 - tầng ke ga.
Kích thước mỗi ga ngầm dài hàng trăm mét, rộng hàng chục mét. Các tầng trung chuyển có diện tích trên 3.200m2 với chức năng đón tiếp hành khách, bán vé, soát vé lên tàu, có thể kết hợp với các mục đích kinh doanh và dịch vụ. Như vậy, có thể tận dụng một phần diện tích của tầng trung chuyển tại một nhà ga thích hợp để tạo nên không gian văn hóa tàu điện. Vấn đề cần quan tâm nhất là “Giao lộ leng keng” này nên đặt ở ga nào?
Thiết nghĩ, không một nhà ga nào phù hợp để lưu giữ ký ức, quảng bá nét đẹp của tàu điện leng keng đến người dân và du khách hơn nhà ga C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) của tuyến ĐSĐT số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Bởi nhà ga này nằm ở vị trí đắc địa nhất, nơi mà bất cứ người dân hay du khách nào cũng muốn tới khi đến Hà Nội. Hơn nữa, Bờ Hồ vốn tự nó đã là nơi giao thoa giữa lịch sử - hiện tại và tương lai của Hà Nội, nơi được coi là trái tim của Hà Nội.
Quy hoạch mặt bằng ga ngầm C9 được đặt tại phía Đông hồ Hoàn Kiếm, trên đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng Công ty Điện Lực, nhà ga có 4 cửa lên xuống.
Theo thiết kế, nhà ga C9 sẽ nằm ngay bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước cửa Tổng Công ty Điện lực. Vị trí này cũng là nơi giao hòa giữa hệ thống tàu điện Hà Nội xưa và hệ thống ĐSĐT ngày nay, gắn kết giữa lịch sử, văn hóa, giữa sự phát triển với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Tầng 1 - tầng trung chuyển nhà ga này có tổng diện tích khoảng 3.403m2, có thể sử dụng khoảng 1/3 diện tích để làm nơi trưng bày các hiện vật của quá khứ, hiện tại, hình thành một Giao lộ “leng keng”.
“Giao lộ leng keng” sẽ gồm tổng hòa các yếu tố: hiện vật; hình ảnh; âm thanh, ánh sáng. Ngoài một khu vực cố định để trưng bày; đường hầm dẫn xuống nhà ga tương đối dài sẽ là không trang trí nhằm tái hiện hình ảnh tàu điện xưa của Hà Nội với các chủ đề theo dòng lịch sử.
Với một tổng thể màu sắc, thanh âm, hình khối được tính toán kỹ, chắc chắn đây sẽ là nơi mang đến nhiều cảm xúc, thu hút được sự chú ý và tình cảm của Nhân dân, du khách đối với Hà Nội. Nơi đó có thể mang lại một hình ảnh mới cho khu vực hồ Hoàn Kiếm, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản.
Đồng thời đây cũng sẽ là điểm nhấn quan trọng có ý nghĩa quý giá, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống vận tải công cộng Hà Nội ngày một văn minh, hiện đại.
Nếu “Giao lộ leng keng” có thể bước từ ý tưởng ra thực tế, một lần nữa người dân Hà Nội lại có cơ hội được nghe tiếng tàu điện leng keng tại Bờ Hồ, được sống lại phần nào cảm xúc về một Hà Nội cổ kính, trầm lắng và lãng mạn, để nhớ và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-lai-tieng-leng-keng-tau-dien-cho-ha-noi.html