Tìm lời giải cho bài toán khó
Hội nghị đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa diễn ra tại Sóc Trăng đã chỉ ra rằng, mùa khô 2019 - 2020, ĐBSCL có khoảng 96.600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Dù các tỉnh, thành đã rất nỗ lực nhưng khô hạn kéo dài hơn 6 tháng đã khiến nguồn nước mặt bị cạn kiệt. Nơi còn nước thì cũng bị mặn xâm nhập. Đó là câu chuyện nóng bỏng của cả khu vực ĐBSCL dù đa số các tỉnh, thành đều nằm trong vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt.
Người dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn vừa qua.
Tiền Giang cũng không nằm ngoài bức tranh chung này. Bằng chứng rõ nét nhất là do mặn năm 2020 đến sớm, lấn sâu nên các cống trong vùng dự án đóng sớm hơn đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016 bình quân khoảng từ 30 - 45 ngày, các tuyến kinh và ao vùng dự án khô cạn nên nguồn nước cung cấp từ các doanh nghiệp sử dụng nước mặt không còn; đồng thời, mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước thô cấp cho 2 Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức. Điều này đã dẫn đến thực tế thiếu nguồn nước cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước sinh hoạt của trên 800 ngàn dân huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và các huyện, thị phía Đông của tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, để đảm bảo nước sinh hoạt cho trên 800 ngàn dân, tỉnh đã triển khai các phương án vận chuyển nước ngọt bằng sà lan từ Mỹ Thuận về bổ cấp cho 2 Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức cũng như huyện Tân Phú Đông. Con số thống kê cho thấy, đến nay các phương tiện sà lan đã chở được 595 ngàn m3 nước bổ cấp cho 2 Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức và khoảng 120 ngàn m3 nước cho huyện Tân Phú Đông với tổng kinh phí chở nước khoảng 41 tỷ đồng.
Nhìn vào khía cạnh khác cũng cho thấy, nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn Tiền Giang ngày càng cao và mang tính cấp bách hơn. Bởi hằng năm, vào mùa khô trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.338 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do chưa tiếp cận được trạm cấp nước; riêng trong mùa hạn, mặn năm 2020 có khoảng 17.650 hộ đã tiếp cận được nguồn nước từ trạm cấp nước nhưng không có nước sử dụng (những hộ sử dụng từ nguồn nước cấp của các doanh nghiệp còn dùng nước mặt vùng dự án).
Để khắc phục tình trạng thiếu nước của các hộ dân, tỉnh cũng đã mở 168 vòi nước công cộng và mở 50 điểm lấy nước qua bồn chứa nước để cấp nước miễn phí cho những hộ dân chưa tiếp cận được trạm cấp nước hoặc đã tiếp cận được nguồn nước từ trạm cấp nước nhưng không có nước sử dụng. Kết quả cho thấy, tổng lượng nước đã cấp cho người dân đến nay đạt khoảng 94.699 m3. Chưa kể, nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung sức, chung lòng vận chuyển nước sinh hoạt cho các hộ dân khu vực thiếu nước, tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh.
Thực trạng khó khăn nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2020 đã đặt ra nhiều thách thức. Nhiều công trình, dự án cũng đã được tỉnh triển khai cấp bách nhằm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong giai đoạn hạn, mặn lịch sử vừa qua. Đó là chủ động đắp đập trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ giữ nước ngọt khác; thi công và vận hành 8 giếng khoan bổ cấp nguồn nước cho khu vực Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức; thi công và vận hành trạm bơm bổ cấp nguồn nước từ kinh Sáu Ầu - Xoài Hột cho Nhà máy nước Bình Đức; đầu tư để bổ sung nguồn và thay thế nguồn nước ngầm không đạt chất lượng trên địa bàn huyện Chợ Gạo; bổ cấp nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm về các khu vực thiếu nguồn nước cung cấp trên địa bàn huyện Gò Công Tây… Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, nhìn chung trong mùa khô năm 2019 - 2020, trên địa bàn Tiền Giang cơ bản đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Mùa hạn, mặn năm 2020 đang khép lại nhưng nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân, nhất là đối với các huyện, thị phía Đông của tỉnh trong những năm tiếp theo vẫn còn là bài toán khó; bởi chuyển biến của khí hậu, thời tiết ngày càng phức tạp, cực đoan. Trước nhu cầu của thực tế, không ít giải pháp về cấp nước sinh hoạt cho người dân Tiền Giang nói chung, các huyện, thị phía Đông nói riêng đã được tỉnh bàn thảo và tính đến; kể cả các công trình, dự án đề nghị với các bộ, ngành Trung ương. Nhưng chắc chắn đây thật sự là bài toán khó; bởi cần có thời gian và nguồn lực rất lớn để đầu tư. Đây có lẽ là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL.
Trên bình diện chung, tại Hội nghị đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh, thành ĐBSCL vừa diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thống nhất đầu tư, nối dài đường ống, nâng cao công suất các nhà máy cấp nước. Một số nhà máy xử lý nước tập trung đầu tư hồ trữ nước…
Hy vọng, với nhiều giải pháp của Trung ương và địa phương được triển khai thực hiện, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn của các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung, trên địa bàn Tiền Giang nói riêng sẽ có lối ra mới…
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202006/tim-loi-giai-cho-bai-toan-kho-900777/