Tìm lời giải cho bài toán 'trốn, nợ thuế bất đắc dĩ'

Ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng số bị phạt vì trốn, nợ thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khá nhiều trong số này là những người vi phạm 'bất đắc dĩ' và nếu được trang bị kiến thức về thuế, Luật doanh nghiệp thì sẽ hạn chế được sai phạm, giúp người kinh doanh yên tâm làm ăn hơn.

(KTSG Online) – Ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng số bị phạt vì trốn, nợ thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khá nhiều trong số này là những người vi phạm “bất đắc dĩ” và nếu được trang bị kiến thức về thuế, Luật doanh nghiệp thì sẽ hạn chế được sai phạm, giúp người kinh doanh yên tâm làm ăn hơn.

Người bán hàng không biết cách nộp thuế

Biết tin một số cửa hàng kinh doanh trực tuyến bị truy thu khoản thuế lên tới hàng tỉ đồng, chị Nguyễn Thu Hằng (Hà Nội), chủ một gian hàng kinh doanh thực phẩm trên Shopee, đã chủ động đăng ký và kê khai số liệu kinh doanh với cơ quan thuế. Số thuế chị phải nộp gồm: 1,5% trên tổng doanh thu tích lũy hai năm qua (1% thuế GTGT và 0,5% thuế TNCN); tiền chậm nộp 0,03% tính trên số tiền thuế phải nộp và số ngày chậm nộp.

Sau khi nộp thuế, kết quả kinh doanh nhiều năm của chị Hằng coi như “trở về điểm hòa vốn” dù đã tăng giá bán thêm 10%, vì giá thực phẩm và phí duy trì hoạt động trên sàn đều tăng, chưa kể khoản thuế phải nộp định kỳ.

Một phiên livestream của tiểu thương chợ Bến Thành. Ảnh: Hoàng Triều

Một phiên livestream của tiểu thương chợ Bến Thành. Ảnh: Hoàng Triều

Khác với chị Hằng, chị Nguyễn Thùy Dương (Bắc Ninh) sở hữu một cửa hàng kinh doanh truyền thống nhưng nguồn thu chính lại đến từ hoạt động livestream bán hàng.

“Tôi có đóng thuế khoán tại cửa hàng. Tới khi kinh doanh trực tuyến cũng chỉ biết cần phải đóng thuế nhưng không rõ về hình thức đóng thuế lắm”, chị Dương nói và cho biết bản thân dần có ý thức hơn với việc đóng thuế kinh doanh trực tuyến sau khi được cán bộ thuế liên hệ để hướng dẫn.

Không may mắn như hai nhân vật trên, một người tại Hà Nội, từng được sàn thương mại điện tử trả hơn 6 tỉ đồng (sau khi khấu trừ thuế 10% – PV) cho công việc tiếp thị liên kết, đã phải đóng khoản thuế TNCN hơn 1,5 tỉ đồng. Thậm chí, còn lỗ nếu trừ thêm các khoản chi phí đã đầu tư như: tổ chức đội ngũ nội dung, mua sắm trang thiết bị.

“Tôi nghĩ đã hoàn thành nghĩa vụ rồi nhưng sàn lại kê khai tiền trả cho tôi vào mục tiền công, tiền lương nên bị áp thuế suất lên tới 35%”, người này nói.

Thực tế, tình xuống xảy ra với ba cá nhân trên không phải thiểu số trong bối cảnh hoạt động tiếp thị, bán hàng trên các nền tảng xã hội gia tăng. Có những người trốn thuế nhưng cũng có rất nhiều người do không hiểu các quy định về thuế nên

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM, cho biết có nhiều người không biết bản thân có nợ thuế hay không. Thậm chí, có người rất bất ngờ khi ra sân bay thì được thông báo là không thể xuất cảnh vì đang nợ thuế. Cũng có tình trạng, có người không nộp thuế vì không biết cách nộp. Trong khi đó, ngay cả việc khai thuế khoán không đúng cũng có thể bị xem là lách thuế hoặc xác định là trốn thuế, dẫn tới bị phạt. Vì vậy, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng số rất cần được trang bị kiến thức về thuế.

Cũng theo ông, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh hiện chưa biết loại hình kinh doanh nào phù hợp và có nên mở doanh nghiệp hay không. Ngoài ra, doanh số ở mức nào thì áp dụng thuế khoán và mức nào thì áp dụng thuế kê khai.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho biết phần đông người bán hàng trực tuyến hoạt động tự phát, làm thêm ngoài giờ hoặc lúc rảnh rỗi, nên không ý thức được việc phải đăng ký thuế và đăng ký kinh doanh. Do đó, khi cơ quan thuế kiểm tra, buộc phải nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từ 5% đến 35% phụ thuộc vào thu nhập trong năm, có khi còn bị truy thu tiền thuế, tiền chậm nộp của các năm trước thì người bán hàng thấy số tiền phải nộp quá nhiều.

Nhiều cách để tránh vi phạm

Trong bối cảnh việc quả lý thuế kinh doanh TMĐT ngày càng chặt chẽ, với sự phối hợp của nhiều ban, ngành, bà Nguyễn Thị Cúc khuyến nghị, những người kinh doanh trực tuyến quy mô nhỏ, không chuyên nghiệp nên đăng kinh doanh và nộp thuế theo mức khoán của cơ quan thuế. Theo đó, cá nhân có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ được miễn các loại thuế.

Với người mua hàng, bán trực tiếp thì nên đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo phương pháp kê khai, thực hiện đầy đủ quy định về hóa đơn, chứng từ, kế toán. Theo đó, số thuế phải nộp tính theo tỷ lệ trên doanh thu tổng cộng chỉ có 1,5% với hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa, gồm 1% thuế GTGT và 0,5% thuế TNCN. Mức thuế áp dụng cho các hoạt động cung cấp dịch vụ khác là 5%.

Hậu trường một phiên livestream hán hàng qua mạng. Ảnh: Hoàng An

Hậu trường một phiên livestream hán hàng qua mạng. Ảnh: Hoàng An

Những người thực hiện dịch vụ tiếp thị liên kết, livestream bán hàng cũng được hưởng mức thuế suất dành cho hộ kinh doanh, tức 7% tính trên số tiền nhận được từ nhãn hàng, gồm: 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN nếu đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Ngược lại, cá nhân sẽ phải nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 5% đến 35%, do không đăng ký kinh doanh và được xác định là làm thuê cho nhãn hàng, theo bà Cúc.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, các cá nhân cần đi đăng ký với cơ quan thuế để trở thành hộ kinh doanh cá thể với ngành nghề kinh doanh cụ thể.

“Trước khi nhận thu nhập từ nhà bán hàng, cá nhân cần liên hệ với cơ quan thuế, nộp 7% tiền thuế, mua hóa đơn và xuất cho nhà bán hàng tương ứng”, ông Thanh nói và cho biết, số thuế phải nộp với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có đăng ký thấp hơn rất nhiều so với việc không đăng ký.

Với riêng hoạt động tiếp thị liên kết trên TikTok, tiền hoa hồng mà cá nhân nhận được từ nhãn hàng là số tiền chưa khấu trừ thuế TNCN, trừ một số trường hợp nhãn hàng đã thực hiện khấu trừ thì có thông báo hiển thị trên ứng dụng.

“Trường hợp nhãn hàng thực hiện khấu trừ thuế TNCN của cá nhân thì đây là số thuế tạm tính. Cá nhân có thể phải nộp thêm thuế hoặc được hoàn thuế khi thực hiện quyết toán thuế TNCN hàng năm, tùy từng trường hợp cụ thể”, ông Lâm nói.

Với những người kinh doanh chuyên nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc khuyến nghị nên thành lập doanh nghiệp để được nộp thuế TNDN với mức thuế suất phổ thông là 20% tính trên thu nhập chịu thuế. Đồng thời, được khấu trừ đi các loại chi phí, gồm chi phí tài sản cố định, thiết bị, máy móc phục vụ cho việc kinh doanh.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tim-loi-giai-cho-bai-toan-tron-no-thue-bat-dac-di/