Tìm lối ra cho dự án chống ngập 10.000 tỷ, hai chung cư cũ chọn lại nhà đầu tư

2 dự án xây dựng lại chung cư cũ, đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư, lý do dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bị dừng, sạt lở làm ảnh hưởng hơn 1.300 hộ dân, Lâm Đồng có quy định mới về tách thửa đất… là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Thêm 3 dự án nhà ở được gỡ vướng

Sau cuộc họp lần 4 với Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thống nhất chủ trương chấm dứt thực hiện 2 dự án xây dựng lại chung cư cũ, đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư.

Đó là dự án chung cư 926 Võ Văn Kiệt, P.5, Q.5 và dự án cao ốc 727 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5. Hai dự án này đã được giao cho Công ty TNHH Bất động sản Tam Đức làm chủ đầu tư từ năm 2015 nhưng vì vướng mắc pháp lý nên đến nay vẫn chưa triển khai. (Xem chi tiết)

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo trước khi tháo dỡ. (Ảnh: Tuấn Kiệt)

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo trước khi tháo dỡ. (Ảnh: Tuấn Kiệt)

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM còn giao các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất về điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star (số 360 Xa lộ Hà Nội, P.Phước Long A, TP.Thủ Đức) của CTCP Metro Star.

Vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ‘đứng hình’?

Khởi công từ năm 2016, đến nay, tiến độ của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM đạt hơn 90%. Đây là dự án do CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư theo Hợp đồng BT.

Dự án chưa thể tiếp tục thi công vì nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, phương thức thanh toán và việc huy động nguồn vốn để hoàn thiện dự án. (Xem chi tiết)

Cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè), một trong sáu cống kiểm soát triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: Hoàng Giám)

Cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè), một trong sáu cống kiểm soát triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: Hoàng Giám)

Chờ tái định cư, hộ dân bị giải tỏa nhận hỗ trợ tối đa 24 triệu đồng/tháng

Tại tờ trình về quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí tái định cư, Sở Tài chính TP.HCM chia các mức hỗ trợ theo 4 khu vực nơi có nhà đất bị thu hồi.

Mức hỗ trợ cao nhất thuộc khu vực 1, gồm Q.1, Q.3 và Q.5. Hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống thì được nhận 8 triệu đồng/hộ/tháng. Hộ từ 5 nhân khẩu trở lên được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng không quá 24 triệu đồng/hộ/tháng. (Xem chi tiết)

TP.HCM: Sạt lở làm ảnh hưởng hơn 1.300 hộ dân, cấp quận – huyện được quyền định giá đất

UBND TP.HCM vừa công bố 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn. Tình trạng sạt lở tại những vị trí này đang đe dọa đến tính mạng và tải sản của 1.328 hộ dân. (Xem chi tiết)

Một nhà dân sát bờ kênh Thanh Đa, Q.Bình Thạnh bị ảnh hưởng vì tình trạng sạt lở. (Ảnh: Nguyễn Huế)

Một nhà dân sát bờ kênh Thanh Đa, Q.Bình Thạnh bị ảnh hưởng vì tình trạng sạt lở. (Ảnh: Nguyễn Huế)

UBND TP.Thủ Đức và các quận – huyện vừa được UBND TP.HCM ủy quyền quyết định giá đất cụ thể để xác định tiền sử dụng đất trong nhiều trường hợp và được thành lập hội đồng thẩm định giá đất. (Xem chi tiết)

Thu gần 67 tỷ đồng lệ phí cấp giấy chứng nhận nhà đất

Từ năm 2017 đến hết tháng 4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thu tổng cộng 66,8 tỷ đồng lệ phí cấp giấy chứng nhận nhà đất của các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố.

Trong đó, các năm 2017, 2018, 2019 và 2022, số tiền lệ phí cấp giấy chứng nhận nhà đất thu được từ 10 tỷ đồng trở lên. Thấp nhất là năm 2020, với 5,9 tỷ đồng. (Xem chi tiết)

Lâm Đồng ban hành quy định mới về tách thửa đất

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa với từng loại đất trên địa bàn.

Như vậy, sau gần 2 năm thực hiện theo quy định cũ và kèm theo đó nhiều văn bản hướng dẫn tách thửa được cho là bất cập, quy định tách thửa vừa ban hành của tỉnh Lâm Đồng có một số điểm mới.

Lâm Đồng thay thế quy định tách thửa đất sau gần 2 năm. (Ảnh: Anh Phương)

Lâm Đồng thay thế quy định tách thửa đất sau gần 2 năm. (Ảnh: Anh Phương)

Với tách thửa đất nông nghiệp, quy định mới vẫn giữ nguyên diện tích tối thiểu được tách thửa tại đô thị là 500m2 và tại khu vực nông thôn là 1.000m2, không yêu cầu tiếp giáp đường giao thông.

Quy định mới đã bãi bỏ nhiều thủ tục bất cập như tách thửa phải chứng minh không kinh doanh bất động sản, thừa kế hoặc cho tặng đối với người chung huyết thống.

Bà Rịa–Vũng Tàu tính xây 11.000 căn nhà nhưng chỉ có 19 căn nhà ở xã hội

Trong kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu phát triển khoảng 1,51 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng 11.099 căn.

Trong đó, có 245 căn nhà ở thương mại, 726 căn nhà tái định cư, khoảng 10.000 căn nhà do người dân tự xây dựng và chỉ có 19 căn nhà ở xã hội. (Xem chi tiết)

Anh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-an-chong-ngap-10-000-ty-dong-bi-dung-hai-chung-cu-cu-tim-nha-dau-tu-2179528.html