Tìm người tài đức
Trọng dụng hiền tài là bài học lớn được đúc kết từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc tìm, chọn đúng những người tài, đức tham gia gánh vác việc nước, cống hiến vì sự nghiệp chung càng có ý nghĩa quan trọng.
Cách đây 79 năm, trên Báo Cứu quốc số 411, phát hành ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết “Tìm người tài đức”. Trong đó, Người khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”. Tuy nhiên, Người cũng thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Từ việc nhìn nhận đúng tầm quan trọng của nhân tài cũng như hạn chế, khuyết điểm trong việc thu hút nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra nhiệm vụ: “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Người tài, dù ở thời kỳ nào cũng là “vốn quý” của đất nước, là một trong những nhân tố quyết định sự thịnh - suy của quốc gia. PGS.TS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Viện Mác - Lênin (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từng đánh giá: “Thời cơ và vận hội, thuận lợi và khó khăn, thời nào chả có. Vấn đề là ở nội lực của từng dân tộc, “ở nguyên khí quốc gia” có được nuôi dưỡng, gìn giữ, trân trọng hay không?”. Dĩ nhiên, nhân tài không đồng nghĩa với bằng cấp. Tài mà chúng ta đang tìm kiếm là thực tài, được đo đếm bằng hiệu quả công việc; bằng cấp phải tương đồng với năng lực thực tiễn.
Thấu hiểu tầm quan trọng của nhân tài đối với vận mệnh dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước chuẩn bị chuyển mình để bước sang kỷ nguyên mới, vấn đề trọng dụng nhân tài càng được coi trọng. Tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ, giải pháp ban hành cơ chế đặc thù để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống; có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước; xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam” , Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu xây dựng cơ chế phát hiện, bảo vệ và trọng dụng người tài. Tiếp đó, tại bài viết “Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề cho nên trong quá trình lựa chọn nhân sự bên cạnh việc phát hiện đúng - trúng thì cố gắng không bỏ sót nhân tài bởi không tìm chọn, sử dụng nhân tài là sự lãng phí về tài nguyên và tiềm năng con người”.
Người tài - những người có khả năng đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước thì không thiếu. Như đúc kết của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô Đại Cáo”: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Vậy nhưng, làm sao để “tiềm năng con người” không bị lãng phí, làm sao để chọn được những người thực sự tài năng, đức độ, sẵn sàng cống hiến vì dân tộc thì không hề đơn giản. Những năm qua, nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương đã “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài vào làm việc nhưng kết quả nhận được vẫn chưa như mong đợi. Về nguyên nhân của điều này, trước hết là do những “điểm nghẽn” về thể chế liên quan đến việc phát hiện, thu hút, trọng dụng người tài chậm được tháo gỡ. Tuy nhiên, lý do lớn hơn là bởi cách đối đãi với người tài ở nhiều nơi chưa thực sự phù hợp để họ sẵn lòng gắn bó.
Muốn thu hút, trọng dụng được người tài đức, trước tiên, chính những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ phải là người trọng hiền tài. Bởi chỉ có vậy mới có thể đối đãi với nhân tài một cách chân thành, gần gũi; mới có khả năng cảm phục, thu hút người tài. Cùng với đó, phải khéo dùng người tài, tôn trọng ý kiến, mạnh dạn trao cho họ những nhiệm vụ tương xứng với tài năng, đức độ. Đặc biệt, với những trường hợp ghen ghét, đố kỵ người tài phải kiên quyết xử lý, loại bỏ ra khỏi bộ máy.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà càng lên cao; nguyên khí suy thì nước yếu mà càng xuống thấp”. Để đất nước vững vàng tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, việc phát huy vai trò của trí thức nói chung và nhân tài nói riêng có ý nghĩa quyết định. Nhiệm vụ trước mắt là thực hiện tốt công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, phải lựa chọn cho bằng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài để làm đầu tàu thu hút nhân tài. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Có như vậy mới giúp người tài phát huy tốt mọi khả năng và trách nhiệm của mình đối với xã hội, trở thành nguồn lực của đất nước và sức mạnh cho sự phát triển của quốc gia.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/169574/tim-nguoi-tai-duc