Tìm nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo

Thời gian qua, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) là khả năng tiếp cận nguồn vốn, thế nhưng, vẫn còn nhiều rào cản trong rót vốn, rút vốn của nhà đầu tư, khiến thị trường vốn cho khởi nghiệp sáng tạo chưa phát triển như kỳ vọng.

Các bạn trẻ làm việc tại không gian sáng tạo UPGen Lương Yên, Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Các bạn trẻ làm việc tại không gian sáng tạo UPGen Lương Yên, Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Việc phát triển các nguồn vốn và hình thành môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo minh bạch, an toàn sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận nguồn vốn nội và vốn ngoại hiệu quả.

Tăng sức hút đối với nhà đầu tư toàn cầu

Theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Việt Nam hiện có khoảng 3.800 start-up, trong đó 11 start-up được định giá hơn 100 triệu USD và 3 start-up được định giá hơn 1 tỷ USD. Hiện nay, các nguồn vốn phổ biến mà doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận là: Các khoản hỗ trợ từ Nhà nước; nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài; nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước; quỹ thành lập trong tập đoàn, doanh nghiệp; thông qua các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh; nhà đầu tư thiên thần và nguồn vốn vay.

Năm 2018, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP được ban hành với những quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã tạo động lực cho sự ra đời và phát triển của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Theo thống kê của Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, hiện có khoảng 210 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư trong nước. Thực tiễn cho thấy, nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2021 công bố bởi NIC, tổng số tiền đầu tư mạo hiểm năm 2021 vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, theo ước tính của Quỹ ThinkZone Ventures, khoảng 90% số vốn này là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn quốc tế Bain & Company, Việt Nam dẫn đầu về khả năng thu hút các nhà đầu tư trong dài hạn ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư nhận định, hoạt động đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2025-2030 sẽ tăng 83% so với hiện nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi hoạt động tại thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Đó là, quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đầu tư trực tiếp vào start-up tại Việt Nam thì tư cách lại như nhà đầu tư nước ngoài thông thường, vì vậy vẫn gặp các khó khăn trong cấp phép đầu tư, quản lý khoản đầu tư, thoái vốn và chuyển lợi nhuận về nước, các vấn đề liên quan đến thuế.

Cũng do các khó khăn đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không ưu tiên đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam mà yêu cầu doanh nghiệp tái cơ cấu để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài để rót vốn vào công ty mẹ và hưởng lợi các chính sách ưu đãi của nước ngoài. Việc này làm phát sinh nhiều chi phí về tư vấn, thành lập và duy trì pháp nhân nước ngoài, tạo thế yếu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khi phải vận hành công ty tại môi trường pháp lý xa lạ.

Đối với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong nước, vẫn cần cải thiện thêm để thật sự khơi thông dòng vốn và tiềm lực nội địa đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Từ thực tiễn đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đại diện Quỹ ThinkZone Ventures cho rằng, quy định còn nhiều vướng mắc cho nên quỹ gặp không ít khó khăn trong thành lập, quản lý và vận hành quỹ, do đó cần cải thiện môi trường kinh doanh và quy định đồng bộ về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Chỉ ra những bất cập tại Nghị định 38/2018/NĐ-CP được coi là cơ sở pháp lý cho sự ra đời, phát triển của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Quỹ đầu tư BK Fund cho biết, quy định đã hạn chế số lượng nhà đầu tư góp vốn thành lập; mối quan hệ giữa công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chưa được quy định rõ ràng dẫn đến việc không xác định được chủ thể thực hiện tham gia các giao dịch; chưa dự liệu cho trường hợp Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đăng ký đầu tư ra nước ngoài để cùng với start-up nắm vốn tại công ty mẹ ở nước ngoài, khiến quỹ phải thoái vốn sớm trong khi nhận thấy start-up còn nhiều tiềm năng phát triển.

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ gián tiếp từ ngân sách nhà nước có thể tạo động lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quyết định đầu tư. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhìn chung các chính sách vẫn còn nhiều bất cập như: Nguồn vốn ưu đãi chưa đến được các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành chưa phản ánh được các nội dung hỗ trợ (thuế, chính sách cho vay...); các đơn vị quản lý cấp cơ sở chưa nắm được các chính sách và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Giải pháp để dòng vốn chạy

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành BambuUP, thời gian tới, xu hướng đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sôi động hơn nhưng tập trung ở các nhóm ngành nhất định và tiêu chí của các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ gắn với chỉ số tài chính nhiều hơn, thậm chí yêu cầu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải có dòng tiền mạnh, có lợi nhuận. Khi tiêu chí đầu tư để giải ngân của các quỹ khắt khe hơn thì doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần nỗ lực rất nhiều mới đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh sự nỗ lực đưa ra các mô hình kinh doanh, cách vận hành hiệu quả của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, rất cần yếu tố mang tính chất vĩ mô: Tiếp tục nỗ lực để hình ảnh của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đủ hấp dẫn trong mắt cộng đồng đầu tư trong và ngoài nước. Muốn vậy cần những chương trình hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, truyền thông mạnh mẽ và thực chất hơn nữa; tạo cơ chế thuận lợi để quỹ đầu tư nước ngoài dễ dàng đầu tư và thoái vốn tại các công ty Việt Nam; tìm kênh, tìm giải pháp để nhà đầu tư biết nhiều hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua những con số thống kê chính xác, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các kết quả đạt được.

Hệ sinh thái hiện nay còn vắng bóng các tập đoàn, trong khi chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đối với các công ty khởi nghiệp là một giải pháp để dòng vốn chạy. Do đó, cũng cần tập trung khơi thông được những nguồn vốn thông qua cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Giải pháp tạo ra những kênh gọi vốn mới cũng được nhiều chuyên gia đề cập. Có thể đó là gọi vốn cộng đồng cho nhóm công ty khởi nghiệp có thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm rất lâu. Ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Lotte Ventures Việt Nam đề xuất, nếu có cơ chế khuyến khích các doanh nhân thành đạt lập quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì thị trường vốn sẽ có thêm dòng tiền không hề nhỏ. Mô hình này sẽ hiệu quả hơn quỹ đầu tư của tập đoàn, doanh nghiệp như hiện nay, do tính chất không vì lợi nhuận, mục tiêu tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội.

Ông Phạm Ngọc Huy cũng cho rằng, để xây dựng hệ sinh thái vững mạnh thì nhà đầu tư là cấu phần quan trọng nhất. Khi có nhiều nhà đầu tư, với nhiều sự hỗ trợ thì chắc chắn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam sẽ mong muốn khởi nghiệp hơn, các start-up nước ngoài sẽ “nhảy” vào Việt Nam tạo nên sóng khởi nghiệp. Để làm được điều đó, trước hết cần tạo ra môi trường để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nếu cứ đầu tư vào công ty mẹ thành lập ở nước ngoài như hiện nay thì rất khó để xây dựng thị trường vốn ở Việt Nam.

Ông Bùi Thành Đô, Thành viên sáng lập, Giám đốc điều hành Quỹ ThinkZone Ventures khẳng định, các chính sách phải bảo đảm sự thuận lợi cho hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, và ổn định để các quỹ đầu tư yên tâm, tự tin khi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi cho quỹ như giảm thuế, hỗ trợ tài chính, cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, và thiết lập các khu vực kinh tế đặc biệt với các ưu đãi về hạ tầng và dịch vụ. Một số chính sách ưu đãi dành cho Quỹ được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 98/2023/QH15 đề cập miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế khi thoái vốn, nhưng trên thực tế đều đang không thực hiện được do thiếu đồng bộ với các quy định liên quan. Tín hiệu đáng mừng là Luật Thủ đô, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có đề cập một số ưu đãi cho nhà đầu tư.

Trước những bất cập trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nghị định về quản lý nhà nước về khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo; Luật Khoa học và Công nghệ cũng đang được sửa đổi, bổ sung. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và đáp ứng tính cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo, trong khi chờ hoàn thiện hành lang pháp lý, cần có các khu thử nghiệm (sandbox) cho một số ngành nghề, đối tượng đặc thù.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tim-nguon-von-dau-tu-cho-khoi-nghiep-sang-tao-5014777.html