Tìm ra chất gây độc tế bào ung thư từ nấm ngọc cẩu

Caffeate là các dẫn xuất của acid caffeic, một chất khá phổ biến trong nhiều loài thực vật, thực phẩm thông dụng có thể gây độc tế bào ung thư.

Chủ nhiệm PGS.TS Trịnh Thị Thủy và nhóm nghiên cứu.

Chủ nhiệm PGS.TS Trịnh Thị Thủy và nhóm nghiên cứu.

Caffeate là các dẫn xuất của acid caffeic (CADs, CA), một chất khá phổ biến trong nhiều loài thực vật, thực phẩm thông dụng như hạt cà phê, chè, rau, hoa quả… có thể gây độc tế bào ung thư.

Tìm ra sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư

PGS.TS Trịnh Thị Thủy và nhóm nghiên cứu Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cộng sự vừa thực hiện nghiệm thu thành công đề tài “Nghiên cứu sử dụng các hợp chất caffeate định hướng tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư” với mục đích tìm ra được các hoạt chất tự nhiên để tạo thành sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư.

PGS.TS Trịnh Thị Thủy cho biết, caffeate là các dẫn xuất của acid caffeic (CADs, CA), một chất khá phổ biến trong nhiều loài thực vật, thực phẩm thông dụng như hạt cà phê, chè, rau, hoa quả...

CA đã được chứng minh có nhiều tác dụng như hạ đường huyết, khả năng chống viêm, chống virus, chống oxy hóa tiềm năng, điều hòa miễn dịch và ức chế nhiều dòng tế bào ung thư, trong đó có ung thư phổi, ruột kết (in vitro và in vivo). Đến nay, các dẫn xuất của CA đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thuốc chống ung thư.

Loài ngọc cẩu (Balanophora laxiflora Hemsley) đã được nghiên cứu nhiều ở châu Á đặc biệt là ở Trung Quốc. Thống kê đến năm 2022 có khoảng trên năm mươi chất được tìm thấy ở loài này.

Kết quả sàng lọc cho thấy hợp chất methyl caffeate (MC) có hàm lượng khá cao trong cây ngọc cẩu (0,036%) và có hoạt tính gây độc tế bào khả quan. MC không độc, đây là một ứng cử viên đầy hứa hẹn để điều trị các bệnh liên quan đến ung thư, viêm.

Chất MC dễ dàng thu được qua con đường bán tổng hợp với hiệu suất khá cao từ acid caffeic (AC). Do vậy nhóm nghiên cứu đã lựa chọn nghiên cứu qui trình thu nhận dẫn xuất caffeate từ loài ngọc cẩu và thử tác dụng và cơ chế tác dụng của chúng trên một số dòng tế bào ung thư, tập trung sâu hơn trên dòng tế bào ung thư tủy xương cấp (OCI-AML3).

TS Thủy cho biết, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dược phẩm có chứa acid caffeic và dẫn xuất caffeate. Nhóm đã chọn chất MC để tạo chế phẩm. Kết quả, chất chính trong chế phẩm là methyl caffeate có hoạt tính tốt, cụ thể kích hoạt opoptosis đối với dòng tế bào ung thư tủy xương cấp (OCI-ALM3).

Ức chế tăng sinh tế bào lạ, điều hòa miễn dịch

Nấm ngọc cẩu.

Nấm ngọc cẩu.

Theo tài liệu công bố gần đây các hợp chất caffeyl hydrazide ảnh hưởng tốt đối với các yếu tố tiền viêm, có liên quan đến hệ miễn dịch. Theo y học hiện đại quá trình gây viêm và ung thư có liên quan mật thiết với nhau.

Tác dụng điều hòa miễn dịch và đối kháng cytokine của các dẫn xuất caffeate đang được các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây và được đánh giá là rất có tiềm năng cho nghiên cứu phát triển ứng dụng trong dược phẩm. Vì vậy, đề tài nghiên cứu thêm hoạt tính điều hòa miễn dịch và ức chế sản sinh NO của các chất caffeate mới tổng hợp được từ AC.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, các dẫn xuất caffeyl hydraride mới có hoạt tính ức chế sản sinh nitric oxide (NO) tốt. Đáng chú ý chất fluorobenzoic hydraride có hoạt tính ức mạnh hơn hai lần so với đối chứng. Các kết quả thử nghiệm hoạt tính này là cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được qui trình chiết, tách tinh chế hợp chất methyl caffeate (MC) từ cây ngọc cẩu (qui mô 2g MC/mẻ, hiệu suất trung bình 0,036%). Đồng thời, chế phẩm Caffeate-MC tạo được an toàn, đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các kết quả thử nghiệm hoạt tính này là cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo.

Theo nhóm nghiên cứu thì đây là lần đầu chất MC được công bố hoạt tính ức chế tăng sinh đáng kể tế bào OCI-AML3 và kích hoạt tế bào chết theo chương trình apoptosis. Nhóm đã tổng hợp được 8 dẫn xuất caffeyl hydrazide mới. Nhóm mong muốn được tiếp tục nghiên cứu chúng theo hướng hoạt tính kháng viêm nhằm ứng dụng trong dược phẩm.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tim-ra-chat-gay-doc-te-bao-ung-thu-tu-nam-ngoc-cau-post645167.html