Tìm ra DNA vi rút đậu mùa khỉ trong tinh dịch có chứng minh bệnh lây qua quan hệ tình dục?
Các mảnh vi rút đậu mùa khỉ đã được phát hiện trong tinh dịch một số bệnh nhân ở Ý, đặt ra câu hỏi liệu có khả năng lây truyền bệnh qua đường tình dục hay không.
Vi rút đậu mùa khỉ được hiểu là lây lan qua tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh. Người này có thể làm lây lan vi rút qua các vết thương trên da hoặc các giọt đường hô hấp lớn. Nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận trong đợt bùng phát hiện nay là giữa các bạn tình đã tiếp xúc gần gũi như vậy.
Trong khi các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS, chlamydia và giang mai được hiểu là do mầm bệnh truyền từ người này sang người khác, cụ thể là trong tinh dịch, dịch tiết âm đạo hoặc các chất dịch cơ thể khác.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Spallanzani, bệnh viện và cơ sở nghiên cứu bệnh truyền nhiễm có trụ sở tại thủ đô Rome (Ý), lần đầu tiên nêu rõ bằng chứng về vi rút đậu mùa khỉ trong tinh dịch 4 bệnh nhân ở Ý trong một báo cáo hôm 2.6.
Kể từ đó, họ đã xác định được 6 trong số 7 bệnh nhân đậu mùa khỉ tại cơ sở có tinh dịch chứa vật liệu di truyền (DNA) của vi rút này. Đặc biệt, mẫu thử trong phòng thí nghiệm từ một bệnh nhân cho thấy vi rút đậu mùa khỉ được tìm thấy trong tinh dịch của anh ta có khả năng lây nhiễm sang người khác và nhân lên.
Francesco Vaia, Tổng giám đốc Viện Spallanzani, nói với Reuters rằng dữ liệu này đang được đệ trình để công bố, không đủ bằng chứng để chứng minh rằng các đặc điểm sinh học của vi rút thay đổi dẫn đến phương thức lây truyền đã phát triển.
Ông nói: “Tuy nhiên có một loại vi rút lây nhiễm trong tinh dịch là yếu tố ủng hộ giả thuyết rằng lây truyền qua đường tình dục là một trong những con đường lây truyền vi rút này”.
Francesco Vaia nói Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được thông báo về những phát hiện mới nhất. Cơ quan của Liên Hợp Quốc không đưa ra bình luận ngay lập tức.
Một nhân viên của Bavarian Nordic, công ty Đan Mạch sản xuất vắc xin đậu mùa, làm việc trong phòng thí nghiệm ở vùng ngoại ô Martinsried gần thành phố Munich, Đức - Ảnh: Reuters
Dữ liệu được đưa ra khi hơn 1.300 ca bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo tại khoảng 30 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, kể từ đầu tháng 5. Hầu hết các trường hợp đã được ghi nhận ở nam giới có quan hệ tình dục đồng tính.
Sự bùng phát đã gây ra mối lo ngại vì vi rút đậu mùa khỉ hiếm khi được nhìn thấy bên ngoài châu Phi, nơi nó lưu hành và phần lớn các trường hợp không liên quan đến việc du lịch đến lục địa này.
Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu điều gì đang thúc đẩy sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện tại, nguồn gốc của nó và liệu bất cứ điều gì về việc vi rút đã thay đổi.
Trong báo cáo riêng biệt được công bố trực tuyến vào ngày 6.6, các nhà khoa học Đức cũng phát hiện DNA của vi rút trong tinh dịch hai bệnh nhân đậu mùa khỉ ở nước này.
Carlos Maluquer de Motes, người điều hành một nhóm nghiên cứu về sinh học poxvirus tại Đại học Surrey (Anh), cho biết việc phát hiện DNA vi rút không nhất thiết ngụ ý sự hiện diện của vi rút lây nhiễm.
Một phân tích của các nhà nghiên cứu Anh cho thấy DNA vi rút từ hàng loạt các loại vi rút khác nhau, bao gồm cả vi rút Zika, đã được tìm thấy trong tinh dịch, nhưng vẫn chưa rõ liệu sự hiện diện của DNA có làm tăng nguy cơ lây truyền qua đường tình dục hay không.
Theo Enrico Bucci, nhà sinh vật học từ Đại học Temple (thành phố Philadelphia, Mỹ), nhìn chung vẫn chưa biết chắc bệnh đậu khỉ có lây nhiễm qua tinh dịch hay không.
"Nó bị nghi ngờ và rất có thể là như vậy. Nhưng thiếu bằng chứng chính thức có sẵn với các thí nghiệm sâu hơn trong phòng thí nghiệm", Enrico Bucci nói.
Hôm 1.6, WHO đã cảnh báo rằng sự bùng phát các bệnh đặc hữu như đậu mùa khỉ, sốt Lassa đang trở nên dai dẳng và thường xuyên hơn.
Khi biến đổi khí hậu góp phần làm thay đổi nhanh chóng các điều kiện thời tiết (chẳng hạn như hạn hán), động vật và cả con người đang thay đổi hành vi tìm thức ăn. Do đó, các bệnh thường lưu hành ở động vật đang ngày càng lây lan sang con người nhiều hơn, theo Mike Ryan - Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO.
Ông Mike Ryan nói thêm: "Thật không may, khả năng khuếch đại căn bệnh đó và lan truyền trong cộng đồng của chúng ta đang tăng lên. Do đó, cả sự xuất hiện của bệnh và các yếu tố khuếch đại bệnh đều tăng lên".
Điều đáng chú ý là biểu hiện lâm sàng của các ca bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến đợt bùng phát này đã thay đổi. Cụ thể là nhiều ca không triệu chứng thường thấy ở bệnh đậu mùa khỉ trước đây (sốt, sưng hạch bạch huyết, sau đó là phát ban tập trung ở mặt và tứ chi).
Các triệu chứng không điển hình được mô tả ở một số bệnh nhân đậu mùa khỉ gần đây gồm: chỉ có vài tổn thương hoặc thậm chí chỉ một tổn thương đơn lẻ; các tổn thương bắt đầu ở bộ phận sinh dục hoặc vùng đáy chậu/quanh hậu môn và không lan rộng thêm; các tổn thương xuất hiện ở các giai đoạn phát triển bệnh khác nhau (không đồng bộ); các tổn thương xuất hiện trước khi bắt đầu sưng hạch bạch huyết, sốt, khó chịu hoặc các triệu chứng khác.
Các phương thức lây truyền bệnh đậu mùa khỉ khi quan hệ tình dục vẫn chưa rõ ràng. Dù biết rằng tiếp xúc gần gũi về cơ thể có thể dẫn đến lây truyền bệnh đậu mùa khỉ, nhưng vẫn chưa rõ các dịch nhờn sinh dục như tinh dịch và dịch âm đạo, có vai trò gì trong việc lây nhiễm bệnh này.
Đậu mùa khỉ đang lan rộng và WHO cho rằng sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh được xác định do giám sát được mở rộng ở tất cả khu vực, quốc gia.
Ngoài nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ ở các nước mới bị ảnh hưởng, WHO tiếp tục nhận cập nhật thông tin về tình hình bệnh này đang bùng phát cũng như các trường hợp ở khu vực châu Phi thông qua các cơ chế giám sát đã được thiết lập, bao gồm cả Giám sát và Ứng phó với Dịch bệnh tổng hợp.
Kể từ đầu năm 2022, hơn 1.530 ca mắc hoặc nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ với 72 trường hợp tử vong đã được báo cáo từ 8 quốc gia châu Phi tính đến ngày 8.6. Trong số này có các ca bệnh đậu mùa khỉ ở Ghana, nơi trước đây không báo cáo trường hợp ở người, dù đợt bùng phát bệnh này ở Mỹ vào năm 2003 liên quan đến các động vật có vú nhỏ được nhập khẩu từ Ghana.
Việc tăng cường xét nghiệm ở phòng thí nghiệm của các quốc gia có bệnh đậu khỉ là ưu tiên hàng đầu để xác nhận các trường hợp nghi ngờ.
Số ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ cho tất cả yếu tố của ứng phó như không giới hạn, nâng cao nhận thức, truyền thông về tính rủi ro, giám sát, hỗ trợ chẩn đoán ở phòng thí nghiệm cũng như nghiên cứu và phân tích trong khu vực này.
WHO đã liệt kê các quốc gia châu Phi lưu hành bệnh đậu mùa khỉ là Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo-Brazzaville, Cộng hòa Dân chủ Congo, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Bờ Biển Ngà, Ghana.
WHO đang cung cấp hướng dẫn và các biểu mẫu báo cáo cho các quốc gia có bệnh đậu khỉ từ lâu cũng như các nước mới bị ảnh hưởng. Gần đây, WHO đã triệu tập hơn 500 chuyên gia và hơn 2.000 người tham gia để thảo luận về những lỗ hổng kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ và các ưu tiên nghiên cứu.
Một số chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của các nghiên cứu lâm sàng về vắc xin và phương pháp điều trị để hiểu rõ hơn về hiệu quả của chúng, đồng thời kêu gọi nghiên cứu nhanh hơn về dịch tễ học và sự lây truyền bệnh này.
WHO cho biết: "Một số quốc gia đang báo cáo rằng các ca bệnh đậu mùa khỉ mới không chỉ xuất hiện trong số những người tiếp xúc với trường hợp trước đó, cho thấy các chuỗi lây truyền đang bị bỏ sót thông qua sự lưu hành chưa được phát hiện của vi rút".
"Dù nguy cơ hiện tại với sức khỏe con người và công chúng vẫn ở mức thấp, nhưng nguy cơ với sức khỏe cộng đồng có thể trở nên cao nếu loại vi rút này khai thác cơ hội để xác lập chính nó ở các quốc gia không lưu hành như một mầm bệnh lan rộng cho người. WHO đánh giá nguy cơ ở cấp độ toàn cầu là vừa phải vì đây là lần đầu tiên nhiều trường hợp và cụm bệnh đậu khỉ được báo cáo đồng thời ở các quốc gia không lưu hành và lưu hành vi rút", WHO cảnh báo.