Tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng
Giải phóng mặt bằng luôn là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm đối với mỗi địa phương.
Có phương án hỗ trợ hợp lý, kiên trì vận động thuyết phục người dân nhưng đồng thời cũng kiên quyết với những sai phạm. Đó là cách làm mà nhiều địa phương tại Quảng Ninh đang áp dụng để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng.
Trong ngôi nhà đã gắn bó gần 10 năm ở thôn 5, xã Quảng Điền, huyện Hải Hà, anh Vũ Văn Cảnh đang bắt đầu dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị di dời, tìm nơi ở tạm trước khi chuyển sang ngôi nhà khang trang hơn nằm trong khu tái định cư.
Gia đình anh là 1 trong 70 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu nhà ở công nhân và khu đô thị phụ trợ phục vụ triển khai xây dựng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà giai đoạn 1 có diện tích 23 ha.
"Đầu tiên cũng cảm thấy buồn vì xa xóm làng nhưng mà về sau tôi bốc thăm được lốt đất ngay gần đây nên cũng thấy bình thường lại, cứ làm theo thủ tục thôi. Tôi cũng đang chuẩn bị triển khai sớm ra ngoài để tạo điều kiện cho chính quyền thu hồi mặt bằng, cũng là tạo điều kiện cho cán bộ công nhân nhà máy có nơi ở gần công ty, đỡ phải đi lại nhiều", anh Cảnh cho biết.
Là dự án nhà ở công nhân đầu tiên với kỳ vọng bước đầu đáp ứng nhu cầu cho hơn 10.000 công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, việc giải phóng mặt bằng cho dự án được huyện Hải Hà tập trung triển khai.
Từ tháng 4/2018, các cấp chính quyền đã phối hợp chặt chẽ đến từng nhà vận động, tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư của người dân.
Chị Đỗ Thị Dương, một hộ dân vừa bàn giao, nhận đền bù hơn 1 tỷ đồng cho biết: "Các anh trên xã, huyện xuống động viên gia đình là các nhà đầu tư vào đầu tư nên phải quy hoạch nơi ở mới theo chính sách của Nhà nước. Chính sách hỗ trợ cũng hài hòa. Giờ gia đình nhận tiền rồi, tìm nơi ở mới để xây dựng nhà cửa ổn định."
Hiện nay, huyện Hải Hà đã kiểm đếm xong 70/70 hộ dân và 2 tổ chức; đồng thời phê duyệt phương án bồi thường với tất cả hộ dân, tổ chức; chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng 66 hộ dân với số tiền gần 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này vẫn còn một số chưa nhận tiền bồi thường, thậm chí có hộ còn sai phạm do tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây sang xây dựng nhà trọ trái phép.
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết, để đảm bảo tiến độ một trong những dự án quan trọng đối với sự phát triển của Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, góp phần xây dựng thiết chế văn hóa, thu hút người lao động đến làm việc, gắn bó lâu dài tại đây, huyện sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Hiện Hải Hà đang hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư 4,1ha, có phương án hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân. Trong tháng 6/2019, các lực lượng sẽ thực hiện biện pháp cuối cùng là cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép nếu nếu người dân không khắc phục hậu quả.
"Chúng tôi rất đề cao sự quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân. Riêng các trường hợp không hợp tác thì chúng tôi sẽ cương quyết xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đã lên phương án bố trí lực lượng cưỡng chế di chuyển để giải phóng mặt bằng. Các lực lượng tuyên truyền tiếp tục truyên truyền, còn lực lượng phương tiện để tháo dỡ cũng đã có hướng để triển khai thực hiện tốt. Hải Hà quyết tâm đồng hành, hoàn thành sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư", ông Thái nói./.