Thực hiện Dự án khoa học công nghệ “Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài Linh trưởng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2019-2021),” Ban quản lý Khu bảo tồn này đã phát hiện 5 loài Linh trưởng quý hiếm.
5 loài Linh trưởng quý hiếm thuộc 1 bộ, 2 họ, trong đó họ khỉ có 4 loài gồm Khỉ cộc, Khỉ vàng, Khỉ mốc, Voọc xám và họ Cu li có một loài là Cu li nhỏ.
Khỉ cộc (danh pháp: Macaca arctoides), còn gọi là Khỉ mặt đỏ là loài khỉ phân bố ở Nam Á và Đông Nam Á. Chúng có màu lông sẫm pha đỏ, nâu hoặc đen ở phần trên của cơ thể, mặt đỏ. Khỉ mặt đỏ nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam.
Khỉ vàng (tên khoa học là Macaca Mulatta) là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Theo các chuyên gia, khỉ vàng sống theo đàn. Mỗi đàn có từ 10 - 15 cá thể, trong đó có một cá thể đực đầu đàn. Loài khỉ này hoạt động ban ngày, phạm vi hoạt động cả dưới đất lẫn trên cây.
Thức ăn chủ yếu của khỉ vàng là quả, hạt, lá cây... Khỉ vàng phân bố ở nhiều khu vực rừng núi ở các tỉnh thành tại Việt Nam.
Khỉ mốc có tên khoa học là Macaca assamensis, là đối tượng nghiên cứu khoa học. Mặt khác nếu bảo vệ tốt chúng sẽ trở thành nguồn động vật dùng để nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin phục vụ cuộc sống con người.
Màu lông của khỉ mốc có thể thay đổi từ màu nâu sẫm tới màu nâu vàng nhạt, nhưng ở vai, gáy, đỉnh đầu và tai thường sáng hơn và vàng hơn phía sau chân và đuôi. Lông xung quanh mặt màu đen, hai má có lông màu xám, phía trong và phía dưới của đùi màu trắng xám.
Voọc xám Đông Dương (Danh pháp khoa học: Trachypithecus phayrei crepusculus) hay còn gọi là Voọc xám Đông Nam Á hay gọi đơn giản là Voọc xám ở Việt Nam, là một trong ba phân loài của loài Voọc xám (Trachypithecus phayrei) phân bố ở vùng Đông Nam Á.
Một số nghiên cứu cho rằng chúng được coi là một loài riêng biệt với danh pháp khoa học là Trachypithecus crepusculus, danh pháp đồng nghĩa Presbytis crepusculus. Số lượng của loài này ở Việt Nam không còn nhiều. Mức độ đe dọa ở bậc V (sắp nguy cấp, số lượng còn rất ít).
Cu li nhỏ Nycticebus pygmaeus có lông mềm mại, màu hung nâu xen kẽ ít lông trắng bạc. Dọc sống mũi của chúng có vết trắng, còn dọc sống lưng có vết hoe đỏ thẫm. Chúng ăn quả, lá nõn cây, côn trùng, trứng chim, chim non.
Loài kiếm ăn ban đêm ở rừng thưa quang thoáng, trên các gốc cây, bụi rậm ven rừng, trên nương rẫy. Ban ngày chúng cuộn tròn mình lại ngủ trong lùm cây.
Mời các bạn xem video: Top 10 Loài Động Vật Sống Lâu Nhất Trái Đất. Nguồn: Yan News.
Thùy Dung (T.H)