Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh TESS của NASA đã chụp được hành tinh đá có tên GJ 3929b mang những đặc điểm giống với Trái đất.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Jonas Kemmer từ Đại học Heidelberg (Đức) đã tiến hành quan sát và phân tích. Kết quả thu được cho thấy GJ 3929b là một hành tinh có bán kính và khối lượng xấp xỉ với Trái đất.
Hành tinh này được phát hiện qua một "đường cong ánh sáng" từ sao mẹ, tức là khi hành tinh tình cờ di chuyển ngang tầm nhìn từ vệ tinh tới sao mẹ, tạo ra sự thay đổi ánh sáng.
Người anh em song sinh này của Trái đất thật ra có kích thước to hơn một chút, với bán kính 1,15 lần và khối lượng khoảng 1,21 lần Trái Đất, là hành tinh đá.
Tuy nhiên, khó lòng có sự sống trên hành tinh này vì đây là một "người anh em song sinh ác quỷ", cũng giống như cách các nhà thiên văn hay ví von Sao Kim.
Tuy sao mẹ của nó rất mát so với sao mẹ của chúng ta: chỉ bằng 1/3 Mặt Trời, độ sáng chỉ 0,011 lần độ sáng Mặt Trời, nhưng hành tinh GJ 3929b nằm quá gần sao mẹ.
GJ 3929b chỉ cách sao mẹ 0,0026 AU (đơn vị thiên văn, 1 AU bằng khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất). Do đó nó cực nóng và bị tưới vào lượng bức xạ cực kỳ khủng khiếp.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho rằng hệ sao còn có thể có một hành tinh thứ 2, một hành tinh khí dạng "tiểu Hải Vương Tinh", nhưng bằng chứng chưa rõ ràng.
"Hành tinh đất đá" hay còn gọi là "hành tinh kiểu Trái Đất" là các hành tinh có cấu trúc và các tính chất giống các hành tinh vòng trong của Hệ Mặt Trời: Có bề mặt chắc cứng, khối lượng khá thấp, trọng lượng riêng cao, chứa nhiều sắt và các kim loại nặng.
Vào thời kỳ sơ khai, nhân kim loại nóng chảy của chúng tạo nên từ trường. Các hành tinh dạng này có khi có khí quyển, có thể có điều kiện để xuất hiện sự sống. Thuật ngữ hành tinh đất đá được sử dụng để phân biệt với loại hành tinh thông dụng thứ hai là hành tinh khí khổng lồ.
Hệ Mặt Trời có 4 hành tinh đất đá là Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa và 6 hành tinh lùn có dạng này là: Ceres, Sao Diêm vương, Eris, Makemake, Haumea, Sedna.
Các hành tinh lùn hầu như không có khí quyển, còn trong 4 hành tinh, Sao Thủy cũng có khí quyển cực kỳ mỏng manh.
Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV
Thùy Dung (T.H)