Tìm thấy bằng chứng mới về sự tồn tại của nước trên Sao Hỏa
Việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất từ lâu đã gắn liền với câu hỏi về sự tồn tại của nước. Và Sao Hỏa tiếp tục mang đến những bằng chứng đầy hứa hẹn.
Một nghiên cứu mới do Tiến sĩ Adam Losekoot thuộc Đại học Mở (Anh) dẫn đầu, được tài trợ bởi Cơ quan Vũ trụ Anh, đã hé lộ một mạng lưới sông ngòi cổ đại rộng lớn tại vùng cao nguyên Noachis Terra ở bán cầu nam Sao Hỏa. Dựa trên dữ liệu từ các tàu vũ trụ của NASA, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những "dải sông uốn lượn" (FSR) – địa hình được cho là hình thành từ các dòng sông bị chôn vùi, sau đó lộ ra khi lớp trầm tích xung quanh bị xói mòn theo thời gian.

Hình ảnh chụp bề mặt Noachis Terra cho thấy Sao Hỏa sở hữu một hệ thống sông ngòi rộng lớn tại khu vực này trong quá khứ. Ảnh: NASA
Kết quả cho thấy khu vực này từng có cả một hệ thống sông rộng tới 15.000 km – dấu hiệu mạnh mẽ về sự hiện diện lâu dài của nước mặt trong quá khứ. Phát hiện này đặc biệt quan trọng bởi Noachis Terra trước nay không được chú ý nhiều, do thiếu các thung lũng phân nhánh – yếu tố thường dùng để suy luận về dòng chảy cổ đại. Tuy nhiên, bằng cách tập trung vào dạng địa hình FSR, các nhà khoa học đã lần ra bằng chứng mới cho thấy mưa có thể từng đóng vai trò chính trong việc kiến tạo địa hình nơi đây.
Theo TS Losekoot, điều này củng cố giả thuyết rằng trong thời kỳ chuyển tiếp giữa kỷ Noachian và Hesperian – cách đây khoảng 3,7 tỷ năm – Sao Hỏa từng là một hành tinh hoạt động mạnh mẽ và có khí hậu ổn định hơn hiện nay. Sự tồn tại của mạng lưới sông ngòi không chỉ mở rộng hiểu biết về lịch sử khí hậu Sao Hỏa mà còn nâng cao khả năng nơi đây từng có điều kiện thích hợp cho sự sống.
Phát hiện này cũng được kỳ vọng sẽ định hướng cho các sứ mệnh thăm dò tương lai, giúp xác định những địa điểm tiềm năng để tìm kiếm dấu tích sự sống trong quá khứ trên hành tinh đỏ.