Tìm thấy vi khuẩn Salmonella spp. trong người bệnh nhân bị ngộ độc tại tiệc Trung thu
Ngày 5/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đã tìm thấy vi khuẩn Salmonella spp trong phân của hai trẻ là người nước ngoài bị ngộ độc thực phẩm sau đêm tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights.
Qua báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), ngoài những trẻ được đưa đến các bệnh viện, còn 2 trẻ có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy sau khi dự tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights đã đi khám tại một phòng khám tư.
Nhận được thông tin này, tổ công tác của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đến phòng khám để tìm hiểu và xác định rõ. Hai trẻ là người nước ngoài, được gia đình đưa đi khám tại Phòng khám đa khoa số 03 thuộc Công ty cổ phần Phòng khám Gia đình TP Hồ Chí Minh (tại địa chỉ số 95 Thảo Điền, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) sau khi phát hiện 2 trẻ có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy.
Cụ thể, vào ngày 1/10, phòng khám trên đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi nam đến khám (6 tuổi và 12 tuổi) là 2 anh em ruột, quốc tịch Nga, sinh sống tại chung cư Palm Heights. Cả 2 trẻ có tham gia chương trình Trung thu tại chung cư Palm Heights vào tối ngày 29/9 và đã ăn nhiều loại thức ăn tại buổi tiệc.
Bệnh nhi nam 6 tuổi đến phòng khám với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và được chẩn đoán là viêm dạ dày ruột, nghi ngờ viêm ruột trực khuẩn. Ngay sau đó, bệnh nhi được xử trí truyền dịch tại phòng khám và chỉ định xét nghiệm PCR phân. Kết quả dương tính với Salmonella spp. với Ct value là 28.2.
Riêng bệnh nhi nam 12 tuổi bị đau bụng nhiều, sốt, tiêu chảy, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng cao, CRP tăng, kết quả siêu âm bụng là viêm ruột. Xét nghiệm PCR phân cho kết quả dương tính với Salmonella spp. với Ct value 31.1.
Trước đó, tổ công tác của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận tại chung cư Palm Heights có 50 trường hợp có triệu chứng ngộ độc thực phẩm giống nhau sau khi ăn bánh tại đêm tiệc Trung thu tại chung cư. Đến ngày 4/10 còn 17 trẻ đang nằm điều trị tại các bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhân dân Gia định. Sức khỏe của các bé đều ổn định.
Tại buổi họp trước đó, các chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn, do tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).
Về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia khẳng định cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn đang được Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh xử lý.
Theo bác sĩ bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 1, có 2 nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm. Nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu, còn nếu các triệu chứng xuất hiện muộn thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn do tác nhân salmonella spp. gây ra.
Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn salmonella spp. được đánh giá là có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa... Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng.
Các trường hợp nhiễm vi khuẩn salmonella spp. thường do thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do salmonella spp. Con đường lây truyền vi khuẩn salmonella spp. chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Được biết, vi khuẩn salmonella spp. cũng là tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm cho 150 người sau ăn bánh mì Phượng (thành phố Hội An, Quảng Nam) vừa qua.
Trước đó, vào tháng 11/2022 vi khuẩn này cũng được xác nhận là tác nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại trường ISchool Nha Trang (Khánh Hòa) khiến hơn 600 học sinh và giáo viên bị ngộ độc.