Tìm thấy xác tàu chiến Mỹ bị đánh chìm trong Thế chiến II
Ngày 11-11, các quan chức Mỹ và Australia thông báo, xác tàu chiến USS Edsall của Mỹ, vốn mất tích từ lâu sau khi bị Nhật Bản đánh chìm trong Thế chiến II, đã được tìm thấy.
Tàu chiến này đã bị đánh chìm vào ngày 1-3-1942, ba tháng sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng. Cụ thể, chiến hạm USS Edsall đang di chuyển qua Ấn Độ Dương về phía Nam Java thì bị máy bay ném bom bổ nhào của Nhật Bản đánh chìm.
“Tôi rất vinh dự khi được ghi nhận vai trò của Hải quân Australia trong việc phát hiện xác tàu chiến USS Edsall của Hải quân Mỹ. Đây là chiến hạm có vị trí đặc biệt trong lịch sử hợp tác hải quân của hai nước chúng ta”, Đại sứ Mỹ tại Australia Caroline Kennedy viết trong bài đăng trên Instagram.
“Giờ đây, chúng ta có thể bảo tồn di sản quan trọng này. Hy vọng gia đình của những người anh hùng đã hy sinh ở đó biết rằng người thân của họ sẽ được yên nghỉ”, Đại sứ Kennedy cho biết.
Trong Thế chiến II, tàu chiến USS Edsall chở 153 thủy thủ cùng hàng chục phi công và lính không quân. Nó đã bị hư hại từ cuộc tấn công trước đó và được cho là không đủ khả năng chiến đấu. Mặc dù vậy, USS Edsall đã được triển khai để hỗ trợ 1 tàu khác khi chạm trán với lực lượng hải quân Nhật Bản vào khoảng 16h chiều 1-3-1942.
USS Edsall đã né tránh thành công các cuộc tấn công trong hơn 1 giờ, đánh lái để tránh hàng trăm quả đạn pháo. Nó phản công bằng ngư lôi, nhưng cuối cùng bị máy bay ném bom bổ nhào của Nhật Bản đánh chìm.
Các nhà sử học cho biết một số người trên tàu đã sống sót sau khi tàu chìm nhưng ngay lập tức bị lực lượng địch bắt giữ, sau đó thì bị hành quyết trong tù.
Theo Hải quân Mỹ, xác tàu đắm lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm ngoái ở phía Nam đảo Christmas xa xôi của Australia, chìm ở độ sâu 5.486km. Mỹ đã hợp tác với phía Australia để xác nhận xác tàu đắm thực sự là USS Edsall.
Mark Hammond, người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Australia, nói rằng xác tàu chiến USS Edsall được phát hiện bởi MV Stoker, tàu hỗ trợ của hải quân nước này, thường được sử dụng để khảo sát thủy văn.