Tìm thị trường tiêu thụ cho hành tím ở Sóc Trăng

Sóc Trăng đang vào vụ thu hoạch hành tím. Thời điểm hiện tại, giá hành tím đang giảm khoảng một nửa so với trước Tết Nguyên đán. Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, bà con đang thu hoạch rộ hành tím nên Sóc Trăng mong được phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm với tất cả các địa phương, doanh nghiệp...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, BĐBP Sóc Trăng giúp người dân phân loại, bó củ hành tím. Ảnh: Văn Long

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, BĐBP Sóc Trăng giúp người dân phân loại, bó củ hành tím. Ảnh: Văn Long

Đang vào chính vụ, giá hành sụt giảm

Ông Thạch Dil, Hợp tác xã (HTX) Nông sản hữu cơ Samaki cho biết, diện tích sản xuất hành tím của HTX đạt 12ha và tham gia tổ liên kết sản xuất với diện tích 10ha, tạo sản lượng 450-500 tấn/năm. Sản phẩm của HTX chủ yếu bán qua các kênh như chợ đầu mối, siêu thị và xuất khẩu đến một số nước châu Á. Hiện đang vào mùa vụ thu hoạch hành tím, HTX đã bán được khoảng 400 tấn và đang tồn khoảng 50 tấn cần tìm thị trường để tiêu thụ. Ông Thạch Dil kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ đầu ra ổn định cho hành tím giúp các thành viên HTX.

Hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, được trồng tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Ông Trần Trọng Khiêm cho hay, tổng diện tích trồng hành tím hằng năm của địa phương này là 6.500ha, sản lượng trên 90.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng hành tím theo hướng hữu cơ với hơn 1.150ha. Hành tím được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Indonesia, Malaysia…

“Thời gian qua, hành tím Vĩnh Châu đã và đang gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ do một số nguyên nhân như: Thời vụ bố trí chưa hợp lý, xuống giống tập trung với một diện tích lớn nên sản lượng tại một thời điểm tương đối cao. Nông dân còn sản xuất riêng lẻ chưa hình thành hợp tác trong sản xuất dẫn đến mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự bền vững. Đặc biệt, nông dân còn mang nặng tâm lý chờ giá dẫn đến tình trạng tồn đọng. Bên cạnh đó, lượng hành nhiều vào mùa vụ chính nên bị thương lái ép giá. Ngoài ra, thời gian lưu trữ hành không được kéo dài vì thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu...” - ông Khiêm thông tin.

Cũng theo ông Khiêm, trước Tết Nguyên đán, giá hành tím thương phẩm dao động từ 38.000-45.000 đồng/kg. Sau Tết Nguyên đán, giá hành bắt đầu giảm, tính đến hiện nay, giá hành dao động từ 15.000-26.000 đồng/kg. Hiện là thời điểm hành bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, sản lượng lớn nên rất cần được tiêu thụ. Ông Khiêm khẳng định: “Tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hành phát triển các chuỗi liên kết để khai thác hết tiềm năng của sản phẩm hành tím. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm hành, gia tăng thu nhập cho người nông dân”.

Nhận diện thị trường

Nhận định về tình hình thị trường xuất khẩu hành tím, ông Trần Triều Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hành Tím Huy Khánh cho hay, việc xuất khẩu hành đi thị trường các nước gặp khó khăn vì thời vụ hành tím Vĩnh Châu lệch so với Indonesia nhưng lại gần như trùng với lịch thời vụ của Thái Lan, dẫn tới phải chịu cạnh tranh lớn từ Thái Lan và các tiêu chuẩn để xuất khẩu hành ra các nước rất cao. Còn đối với các thị trường khó tính như Mỹ hay Nhật Bản thì cần các giấy chứng nhận về các tiêu chuẩn trong sản xuất như: GlobalGAP hay GMP… Trong khi đó, đa phần diện tích trồng hành tại Vĩnh Châu chưa có các chứng nhận này.

Hành tím tại Sóc Trăng được trồng chủ yếu ở huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: Văn Long

Hành tím tại Sóc Trăng được trồng chủ yếu ở huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: Văn Long

Riêng đối với thị trường Mỹ, ông Trần Quang Huy, Tham tán Nông nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, hệ thống quy định, tiêu chuẩn của Mỹ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật rất cao, đặc biệt là đối với thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là hành chế biến xuất khẩu sang thị trường này sẽ không phải qua rào cản kiểm dịch thực vật và phân tích nguy cơ dịch bệnh và có thể sử dụng ở nhiều hình thức khác nhau thông qua hệ thống phân phối.

Vấn đề khó khăn là khoảng cách địa lý xa sẽ khiến chi phí vận chuyển cao và khó bảo quản hành hơn. “Khi tiến vào thị trường Mỹ, sản phẩm hành của Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước Thái Lan, Trung Quốc, Mexico vốn có lợi thế về chi phí vận chuyển, hệ thống phân phối và thương hiệu” - ông Huy nhấn mạnh.

Đối với thị trường trong nước, hành tím cũng phải cạnh tranh rất khốc liệt với hành nhập khẩu từ các nước láng giềng. Theo ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam, hành tím tại các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận sản lượng nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng chúng ta nhập khẩu từ các nước về rất nhiều, gây áp lực cho tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, giá hành của họ luôn rẻ hơn của chúng ta.

Phải chuẩn hóa chất lượng, phát triển sản phẩm chế biến

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Để việc tiêu thụ sản phẩm hành của Sóc Trăng nói riêng, các địa phương nói chung được thuận lợi, trước hết, các địa phương phải đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của sản phẩm hành; phải giới thiệu được những thế mạnh riêng có của sản phẩm hành tím ở địa phương mình với thị trường. Từ đó, tự tin khẳng định thương hiệu và giá bán sản phẩm của mình”.

Bên cạnh đó, các vùng trồng phải tổ chức lại sản xuất để chuẩn hóa về mặt chất lượng; phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ hành; hoàn thiện hệ thống logistic, kho bảo quản lạnh để chủ động trước sự biến động của thị trường. Các địa phương cũng cần áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ hành để thuận lợi kết nối với các thị trường; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hành tím...

Trên cơ sở phân tích thuộc tính thị trường, ông Huy cho rằng, cần phải có sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ nông dân trực tiếp sản xuất hành tím với doanh nghiệp; xây dựng thí điểm các vùng trồng theo hướng hữu cơ để được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến nhằm thuận tiện cho việc liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm được ổn định. Từ đó, hạn chế bị ép giá, nâng cao giá trị của sản phẩm hành tím địa phương.

Để thúc đẩy xuất khẩu hành của Việt Nam sang thị trường Mỹ, ông Huy cho rằng, cần đa dạng hóa sản phẩm để kéo dài thời gian bảo quản, tiếp cận các chuỗi siêu thị lớn của Mỹ. Các thương vụ, bộ, ngành cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp, trực tuyến vào hội chợ nông sản. Bên cạnh đó, cần tận dụng lợi thế khi Mỹ và Việt Nam có đường bay thẳng để phát triển hệ thống logistics, tối ưu hóa hạ tầng và kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng cường tính liên kết với doanh nghiệp Việt kiều.

Thanh Thủy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tim-thi-truong-tieu-thu-cho-hanh-tim-o-soc-trang-post459858.html