Khó khăn trong cai nghiện ma túy
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.000 người nghiện ma túy. Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và tổ chức cai nghiện, tuy nhiên công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Hiện nay, số người sa vào tệ nạn ma túy có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có 5.006 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện đang sống trong cộng đồng 1.468 người, trong các cơ sở cai nghiện 283 người, đang bị giam giữ tại trại tạm giam, nhà tạm giữ 27 người. Trong số người nghiện thì nam giới chiếm đa số với trên 99%, độ tuổi từ 18 đến dưới 30 chiếm 30%, phần lớn người nghiện không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định.
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Nông Thị Thư cho biết: Cơ sở hiện nay có 2 địa điểm làm việc, địa điểm 1 (trụ sở chính) tại tổ 6, phường Sông Hiến (Thành phố) với quy mô 150 giường bệnh, hiện đang chữa trị cai nghiện cho 150 người nghiện ma túy và quản lý, chăm sóc 62 đối tượng tâm thần; địa điểm 2 tại xóm Nà Roác I, xã Bạch Đằng (Hòa An) quy mô 500 giường bệnh, tuy nhiên hiện nay công trình xây dựng chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng 150 giường bệnh. Đặc biệt, lưu lượng đối tượng quản lý tại cơ sở đông hơn so với quy định tiêu chuẩn về diện tích, nhà ở, khu vui chơi, sinh hoạt... Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, xuống cấp, nhân lực làm việc chưa có đủ số người làm việc theo quy định.
Nghiêm trọng hơn, hiện có rất nhiều chất ma túy mới ra đời, nhiều loại không những tăng về chất gây nghiện mà còn tăng về nồng độ gây ảo giác và nhiều loại ma túy tổng hợp khi gây nghiện chưa có phác đồ điều trị. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, không làm chủ được hành vi, gây ảo giác, hoang tưởng, tấn công quản lý, bác sĩ chữa trị.
Chị Bế Thị Ngân, Trưởng Phòng Điều trị nội trú, ngoại trú Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh chia sẻ: Đối tượng cai nghiện ma túy thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhiều người có tiền án, tiền sự, có biểu hiện manh động, chống đối, không hợp tác, luôn tìm cách kích động các học viên khác bỏ trốn hoặc gây gổ đánh, chửi nhau nên khó khăn trong điều trị. Khi tiến hành điều trị cần sự hỗ trợ của bộ phận an ninh mới có thể đảm bảo an toàn. Đối với những đối tượng sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp do thần kinh không ổn định, có dấu hiệu bị ảo giác, kích động có thể đánh người điều trị bất cứ lúc nào. Trong thời gian gần đây, cơ sở có gần 20 trường hợp gây nguy hiểm cho người điều trị, chăm sóc và học viên cùng phòng. Khó khăn hơn nữa là đối với những đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần cơ bản là chưa có phác đồ điều trị rõ ràng, thường phải theo dõi riêng và điều trị cắt cơn theo phác đồ phù hợp.
Ngoài công tác cai nghiện thì việc dạy nghề, lao động trị liệu cũng gặp khó khăn không kém bởi phần lớn các đối tượng cơ bản là ham chơi, có đạo đức, lối sống không lành mạnh. Tại địa điểm cai nghiện 2, xóm Nà Roác I, xã Bạch Đằng, các đối tượng nghiện ma túy đã trải qua giai đoạn cắt cơn, giải độc đang được điều trị bằng phương pháp lao động trị liệu. Tại công trường, các đối tượng được tổ chức, hướng dẫn trồng và chăm sóc rau, chăn nuôi gà, vịt, lợn, cá, trồng rừng…; ngoài ra, các đối tượng còn tham gia lớp dạy nghề điện cơ khí do cơ sở phối hợp với Trường Trung cấp Nghề tỉnh tổ chức giảng dạy.
Theo Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hoàng Văn Việt, chương trình dạy nghề được tổ chức song song trong quá trình cai nghiện, nhưng cơ bản những nghề này đều mang tính “trị liệu” là chính chứ chưa thực sự tạo được việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. Đặc biệt, khi tái hòa nhập cộng đồng, cơ hội việc làm đối với người đã từng nghiện ma túy rất khó khăn, trên địa bàn tỉnh còn rất ít khu công nghiệp hay những đơn vị doanh nghiệp cần tuyển lao động. Ngoài ra, tâm lý kỳ thị vẫn còn nặng nề, rất ít cơ sở sản xuất nhận họ vào làm việc. Nhiều đối tượng sau cai nghiện ma túy chưa thực sự có ý chí để tự tin tìm việc làm phù hợp, lại đi lang thang thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng cho xã hội.
Pháp luật hiện nay quy định về việc quản lý người sau cai nghiện ma túy, giúp người sau cai nghiện có ý thức hơn trong việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy nói chung và phòng ngừa tái nghiện lại ma túy nói riêng. Tuy nhiên, rất nhiều đối tượng sau cai nghiện bắt buộc không về địa phương, lại di chuyển sang các địa phương khác tìm kiếm việc làm và làm ăn tự do gây khó khăn cho công tác quản lý. Người hoàn thành cai nghiện và gia đình còn thiếu nhận thức, chưa có hiểu biết đầy đủ về ma túy, còn bao che các hành vi vi phạm của con em mình, không quyết tâm cai nghiện. Tại nơi cư trú vẫn tiếp xúc gặp gỡ bạn nghiện, các tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy còn hiện hữu rất dễ bị lôi kéo và tái nghiện.
Để giảm đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn, các ngành chức năng cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa, đấu tranh không khoan nhượng đối với tội phạm mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm để người sau cai thực sự hòa nhập với cộng đồng. Gia đình tăng cường quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ; những người sau cai nghiện cần có nghị lực, quyết tâm cao từ bỏ ma túy, tích cực tham gia lao động sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/kho-khan-trong-cai-nghien-ma-tuy-3170398.html