Tìm tiêu chí cho nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN
Ngày 15-11, Ban Kinh tế Trung ương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề 'Sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường: Lý luận, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam'.
Đây là đề tài quốc gia được Chính phủ chỉ định Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện để chuẩn bị cơ sở lý luận xây dựng các quyết sách về kinh tế trong đại hội XIII sắp tới.
Theo phân tích của các chuyên gia, kể từ 1986 đến nay nền kinh tế của chúng ta hiện nay mới chỉ được hơn 60 quốc gia công nhận là kinh tế thị trường. Nền kinh tế của chúng ta hiện nay sức cạnh tranh khá yếu và còn thua so với các nước trong khu vực khá nhiều.
Để xây dựng cơ sở lý luận đúng đắn cho “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, chúng ta phải trả lời được 4 vấn đề cốt lõi gồm: làm sao để nền kinh tế thị trường của Việt Nam phát triển phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thị trường của thế giới; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có đảm bảo cho Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, sớm theo kịp các nước không; làm sao để vừa phát triển lực lượng sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường vừa hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN; làm sao để nhân dân làm chủ được trong điều kiện Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.
Cùng ngày, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông tổ chức hội thảo “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập”.
Hội thảo thu hút hàng trăm nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và cả đại diện Bộ GD-ĐT cùng chia sẻ, phân tích những “rào cản” cản trở việc tự chủ cho giáo dục đại học. Rất nhiều nguyên nhân kìm hãm thực thi tự chủ đại học được phân tích, trong đó có các chính sách pháp luật chưa đủ mở để tạo hành lang pháp lý cho việc thực thi tự chủ. Luật Giáo dục đại học sửa đổi và bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành.
Quyền của hội đồng trường đã được luật định rất rõ nhưng đã có bộ chủ quản ban hành văn bản trái với quy định của luật. Các cơ quan chủ quản hiện nay triệt tiêu quyền của hội đồng trường trong việc bầu, bổ nhiệm nhân sự...
Trước những kiến nghị của các chuyên gia, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Tự chủ đại học là tất yếu để giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên việc thực hiện tự chủ hiện nay cũng còn rất nhiều vấn đề. Hàng loạt các luật khác cũng phải điều chỉnh, chỉnh sửa để cho phù hợp với việc thực hiện tự chủ như Luật Giáo dục đại học đã quy định.