Nơi ghi dấu Lễ trình Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Lễ trình Quốc thư đầu tiên tại Khu di tích Đồi Giang, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 1/9/1954 là một trong những dấu ấn quan trọng, đánh dấu bước đi đầu tiên trong quan hệ ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 Lễ trình Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1/9/1954) tổ chức tại Khu di tích Đồi Giang, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Lễ trình Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1/9/1954) tổ chức tại Khu di tích Đồi Giang, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Vào ngày 1/9/1954, tại Khu di tích Đồi Giang, xã Tiên Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận Quốc thư do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa La Quý Ba trình. Đây là Lễ trình Quốc thư đầu tiên kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945.

Sự kiện này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Hiệp định Genève được ký kết, khép lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc và mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên hồi tưởng: "Đây là Lễ trình Quốc thư đặc biệt vì lúc đó chúng ta không có biệt thự đẹp, không có những ngôi nhà hoành tráng để tổ chức. Hồ Chủ tịch quyết định tổ chức Lễ trình Quốc thư thật trang trọng tại Khu giải phóng Đại Từ, trên một đồi sim rất đẹp thuộc xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội”.

Lễ trình Quốc thư ở Đồi Giang là một trong những mốc son đầu tiên của ngành Ngoại giao Việt Nam, đánh dấu bước tiến lịch sử trong mối quan hệ lâu đời giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), cổ vũ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, tạo thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển về mọi mặt.

Vào ngày 1/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận Quốc thư do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa La Quý Ba trình. (Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Vào ngày 1/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận Quốc thư do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa La Quý Ba trình. (Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Ngày nay, Khu di tích Đồi Giang đã trở thành điểm đến lịch sử quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ ghi dấu một sự kiện ngoại giao trọng đại, nơi đây còn mang đậm nét văn hóa cách mạng, thể hiện tinh thần đoàn kết và trí tuệ dân tộc trong thời kỳ kháng chiến.

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích. Các hoạt động kỷ niệm, trưng bày tư liệu và tái hiện sự kiện Lễ trình Quốc thư được tổ chức thường xuyên, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử ngoại giao Việt Nam, cũng như truyền cảm hứng cho sự tiếp nối những giá trị đó trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích. (Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích. (Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Lễ trình Quốc thư tại Khu di tích Đồi Giang gợi nhắc về một bài học ngoại giao quan trọng: Sự mềm dẻo, linh hoạt trong chính sách đối ngoại luôn đi đôi với tinh thần giữ vững độc lập, tự chủ.Tinh thần ngoại giao từ Đồi Giang không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là kim chỉ nam cho những bước tiến mới của đất nước.

Khu di tích Đồi Giang, xã Tiên Hội, Thái Nguyên vừa là nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của nền ngoại giao nước nhà, vừa là biểu tượng cho khát vọng hòa bình và chủ quyền của Việt Nam.

Vinh dự được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chứng kiến bao đổi thay quan trọng của dòng chảy lịch sử dân tộc, người dân Tiên Hội luôn nhắc nhở mình không thể quên vai trò khởi nguồn trong đường lối ngoại giao, đối ngoại của dân tộc, không thể quên nhiệm vụ gìn giữ và tôn vinh giá trị lịch sử của Khu di tích Đồi Giang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định hướng đi và đường lối đối ngoại cho dân tộc.

Năm 2011, Khu di tích Đồi Giang đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên công nhận di tích cấp tỉnh, năm 2017 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Khu di tích Đồi Giang được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 2017. (Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Khu di tích Đồi Giang được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 2017. (Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Trong lịch sử gần 80 năm thành lập nước, Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò trên trường quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức đa phương và thúc đẩy quan hệ song phương với nhiều quốc gia, bao gồm cả những đối tác chiến lược quan trọng. Việt Nam tiếp tục lan tỏa thông điệp hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, đồng thời nâng cao vị thế một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thế hệ hôm nay càng thêm tự hào và quyết tâm kế thừa tinh thần ngoại giao Hồ Chí Minh, đưa đất nước tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển.

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tim-ve-noi-ghi-dau-le-trinh-quoc-thu-dau-tien-cua-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-295176.html