Tìm về trận đánh lịch sử bên dòng sông Đạ Riam

Trận đánh ấy đã đi vào lịch sử, mãi mãi không mờ phai trong ký ức những người lính vệ quốc năm xưa, trong lòng Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm hôm nay.

Sơ đồ trận đánh Mỹ bên dòng sông Đạ Riam

Sơ đồ trận đánh Mỹ bên dòng sông Đạ Riam

52 năm trôi qua (1969 - 2021), mỗi khi nhắc đến trận tập kích quân Mỹ bên dòng sông Đạ Riam, ông Trần Ngọc Biên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm, vẫn rưng rưng xúc động, xen lẫn tự hào. “Trận đánh Mỹ bên dòng sông Đạ Riam không chỉ là chiến công vẻ vang của quân và dân ta, mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là chọn đúng thời cơ, tập kích bất ngờ, đánh nhanh diệt gọn, hiệp đồng chặt chẽ, chủ động tiến công, quyết giành thắng lợi”, ông Trần Ngọc Biên chia sẻ.

Trận chiến hào hùng đó diễn ra tại địa bàn giáp ranh giữa thôn B’Kọ, thôn Tứ Quý (xã Lộc An), với Thôn 4 (xã Tân Lạc) và xã Hòa Nam (huyện Di Linh), nơi có con sông Đạ Riam chảy ngang qua. Cứ tháng 4 hàng năm (cuối mùa khô, đầu mùa mưa Tây Nguyên), lượng nước sông chảy về chưa nhiều, lòng sông hẹp, nên người ở hai bên bờ sông có thể lội bộ qua một cách dễ dàng. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của người bản địa K’Ho ở thôn B’Kọ, B’Krọt, B’Ktiềng... chất phác, hồn hậu, gắn bó với núi rừng, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Phía Bắc sông Đạ Riam là đồn điền sở chè Tứ Quý và An Lạc rộng hàng trăm ha, cũng là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Nhân dân, công nhân ở đây giàu lòng yêu nước, căm thù Mỹ - ngụy, có truyền thống đấu tranh cách mạng, nhiều gia đình là cơ sở bí mật, cung cấp lương thực, thuốc men cho bộ đội ta.

Vùng đất cách mạng năm xưa, giờ là một vùng đất trù phú với những cây trái trĩu cành

Vùng đất cách mạng năm xưa, giờ là một vùng đất trù phú với những cây trái trĩu cành

Ngày 5/4/1969, từ hậu cứ C3, D506, Lữ đoàn dù 173 Mỹ hành quân dã ngoại ra phía cầu Sắt, Đại Bình. Từ đây quân Mỹ phát triển lực lượng ra khu vực bầu Le (Thôn 1, xã Tân Lạc), phía Nam Sở chè Tứ Quý (thôn Tứ Quý, xã Lộc An). Quân Mỹ tổ chức càn quét, dùng chó béc-giê đánh hơi, lùng sục dọc bờ sông Đạ Riam tìm, diệt lực lượng ta. Chiều ngày 6/4/1969, các chiến sĩ C715 Đặc công, cùng C744 Bộ binh trên đường đi lấy gạo và chuyển thương binh từ đơn vị đóng quân về bệnh xá thì bị phát hiện, nhưng vì trời tối nên chúng dừng lại, căng lều bạt, dựng công sự dã chiến, đóng quân trên diện tích khoảng 5.000 m2. Quân Mỹ có hơn 80 tên, vũ khí trang bị đầy đủ, có máy thông tin PRC25, súng AR15, đại liên, lựu đạn... Quân Mỹ phân chia thành 6 cụm, Ban chỉ huy đại đội đóng ở trung tâm. Âm mưu của chúng, sáng hôm sau bám theo đường mòn dọc triền sông Đạ Riam để tiếp tục hành quân, truy kích nhằm tiêu diệt lực lượng ta.

Ngay khi phát hiện thấy lính Mỹ, quân ta đã cử trinh sát bám địch, đồng thời nhanh chóng thông tin về Ban chỉ huy đại đội lập phương án tác chiến và được Tỉnh Đội Lâm Đồng (cũ) nhất trí phê duyệt. Theo phương án tác chiến, C715 Đặc công phối hợp C744 Bộ binh tập kích C3, D506, Lữ đoàn dù 173 Mỹ đi càn đóng quân dã ngoại cạnh sông Đạ Riam. Sau khi họp cấp ủy, Ban chỉ huy đại đội của hai đơn vị họp bàn cách đánh, nhận nhiệm vụ của từng đại đội, từng mũi tiến công trên sa bàn, công tác hiệp đồng chiến đấu và quy định thời gian, hiệu lệnh nổ súng. Tham gia trận đánh tập kích có 24 đồng chí được chia thành 2 mũi tiến công. Chỉ huy là đồng chí Ngô Minh Tân, Đại đội trưởng C715 Đặc công, đồng thời trực tiếp phụ trách mũi thứ 2. Đồng chí Nguyễn Đức Phó, Chính trị viên phó C715 Đặc công, phụ trách mũi thứ 1, là người được giao nhiệm vụ phát lệnh chiến đấu. Mỗi mũi, quân ta sử dụng một khẩu B40, một khẩu B41, từng chiến sĩ được trang bị 5 đến 6 lựu đạn, thủ pháo, kể cả thủ pháo dù dành riêng cho chỉ huy. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của hai mũi tiến công đều tỏ rõ quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

Bảo Lâm không ngừng thay đổi diện mạo kể từ ngày giành lại độc lập

Bảo Lâm không ngừng thay đổi diện mạo kể từ ngày giành lại độc lập

Trong đêm hôm đó, cả hai mũi đã băng qua rừng, bí mật hành quân lội ngầm vượt thác Đạ Riam chiếm lĩnh trận địa, ngụy trang, ém sát nơi địch đóng quân mà chúng không hề hay biết. Đúng 5 giờ 30, sáng 7/4/1969, chỉ huy Mỹ tuýt còi báo thức, quân Mỹ vừa chui lên khỏi công sự dã chiến để gỡ lều, bạt, thu dọn đồ đạc... thì một tiếng nổ vang trời, đất đá rung chuyển, khói bụi mù mịt, từ quả mìn ĐH20 (mìn định hướng 20 kg thuốc nổ) đã được quân ta bí mật cài vào giữa đội hình địch trong đêm hôm trước. Tiếng nổ của quả mìn là mệnh lệnh hiệp đồng chiến đấu của hai mũi tấn công. Quân ta từ trên các cao điểm đồng loạt nổ súng và ào ạt xung phong. Bị đánh trực diện, bất ngờ, địch không kịp trở tay, đội hình rối loạn, chống cự yếu ớt. Các chiến sĩ ta sử dụng hỏa lực B40, B41, AK47 và chủ yếu là lựu đạn, thủ pháo tiêu diệt từng ổ đề kháng, từng công sự địch. Sau gần 30 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Quân Mỹ bị đánh bật ra khỏi công sự và bị quân ta đánh dồn xuống sông, máu, xác lính Mỹ nhuộm đỏ khúc sông Đạ Riam. Chỉ còn vài ba tên sống sót thoát được sang phía bờ sông bên kia chạy thục mạng vào Sở chè Tứ Quý để tẩu thoát về thị xã B’Lao, tỉnh lỵ Lâm Đồng (cũ).

Trận đánh đó, ta tiêu diệt trọn một đại đội gồm 80 tên thuộc Lữ đoàn dù 173 Mỹ, 2 con chó béc-giê, thu 4 máy thông tin PRC25, 120 khẩu súng các loại, trong đó có 1 khẩu đại liên Mã lai và toàn bộ quân trang, quân dụng. Phía ta, hi sinh 3 đồng chí, bị thương 2 đồng chí: Ngô Minh Tân, Đại đội trưởng C715 Đặc công và Nguyễn Đức Phó, Chính trị viên phó Đại đội C715 Đặc công. Trận tập kích C3, D506, Lữ đoàn dù 173 Mỹ đi càn đóng quân dã ngoại tại sông Đạ Riam là một trong những trận đánh Mỹ đạt hiệu suất chiến đấu cao của C715 Đặc công và C744 Bộ binh, thuộc Tỉnh Đội Lâm Đồng (cũ). Thắng lợi này đã được Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai.

“Trận đánh bên dòng sông Đạ Riam cần được xây bia, khắc ghi chiến công vẻ vang của quân và dân Bảo Lâm - Lâm Đồng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước”, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm Trần Ngọc Biên nói rõ.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202105/tim-ve-tran-danh-lich-su-ben-dong-song-da-riam-3054722/