Tin 10/6: Xác định nguyên nhân người phụ nữ bị nhân tình nhỏ hơn nhiều tuổi đánh dã man tại quán ăn; Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin về nghi vấn nữ sinh THCS bị quấy rối
Nguyên nhân khiến người phụ nữ bị nhân tình nhỏ hơn 5 tuổi đánh dã man tại một quán ăn ở Cà Mau gây xôn xao mạng xã hội đã được xác định; Liên quan đến hình ảnh người đàn ông ôm ấp, sàm sỡ, quấy rối nữ sinh tại phòng học, Sở GD&ĐT TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị có liên quan xác minh làm rõ.
Lý do người phụ nữ bị nhân tình nhỏ hơn nhiều tuổi đánh dã man tại quán ăn
Liên quan đến clip người phụ nữ bị đánh dã man tại quán ăn mà mạng xã hội lan truyền, ngày 9-6, theo nguồn tin của phóng viên, Công an phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã mời ông P.M.S. (38 tuổi) và bà L.T.H.A. (43 tuổi; cùng ngụ TP Cà Mau) lên làm việc.
Theo đó, ông S. và bà A. sống chung như vợ chồng. Tối 4-6, bà A. chở ông S. đến một quán ăn trên địa bàn phường 5 ăn tối. Sau đó, do ghen tuông nên cả 2 xảy cự cãi dẫn đến đánh nhau, Vụ việc kết thúc khi được người dân can ngăn.
Qua làm việc, cả 2 đã thừa nhận hành vi của mình. Bà A. không yêu cầu xử lý đối với hành vi của ông S.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trước đó, một trang mạng xã hội có lượng lớn người theo dõi tại Cà Mau đã đăng tải đoạn clip dài 1 phút 29 giây ghi lại cảnh người phụ nữ bị người đàn ông ngồi cùng bàn ăn đánh, đá rồi dùng chiếc bàn inox đập vào người một cách thô bạo.
Đoạn clip chỉ đăng trong vài giờ nhưng đã có hàng ngàn lượt xem cùng nhiều bình luận tỏ ra bức xúc từ người dùng mạng xã hội trước hành động vũ phu của người đàn ông.
Nghi vấn nữ sinh THCS bị quấy rối: Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin
Trưa 9/6, trả lời VTC News, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè, TP.HCM xác minh thông tin tố một người đàn ông được cho là thầy giáo có hành vi không chuẩn mực, ôm ấp, sàm sỡ nữ sinh tại trường THCS trên địa bàn này.
"Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè, Trường THCS được nêu trong lời tố cáo, xác minh về vụ việc trên. Hiện Phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè đã nắm được thông tin nêu trên và đang trong quá trình xác minh", ông Minh nói.
Tối 8/6, trên mạng xã hội xuất hiện chia sẻ câu chuyện bức xúc một người tố cháu gái bị quấy rối trong giờ học.
Cũng theo lời tố cáo, những lần trước, người quấy rối còn hăm dọa các học sinh không được mách ba mẹ, nếu không vào sẽ "bị đì". Ngoài ra, người quấy rối còn dụ dỗ học sinh thích gì sẽ mua cho; thậm chí mua những món đồ tế nhị.
'Anna phiên bản Việt' Tina Dương bị tuyên 11 năm tù
Trưa 9/6, Vân Anh, 28 tuổi, quê Bắc Giang, bị TAND tỉnh Bình Thuận xét xử về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (khung hình phạt 12-20 năm tù) và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (khung hình phạt 3-7 năm tù).
Trong suốt thời gian chờ HĐXX làm việc, Vân Anh tỏ ra bình thản, thỉnh thoảng quay xuống dưới nhìn người quen.
Vân Anh có tên trên mạng xã hội là Tina Dương, nổi lên giữa năm ngoái do nhiều người tố cáo là "hotgirl lừa đảo tiền tỷ", "Anna phiên bản Việt".
Trả lời HĐXX, Vân Anh thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng nêu. Cụ thể, đầu năm 2022 bị cáo thuê ôtô trị giá hơn 774 triệu đồng của Công ty Gia Đình Việt ở TP HCM để làm phương tiện đi lại. Thời gian thuê ba tháng (giá 45 triệu đồng một tháng) và yêu cầu giao xe tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Sau khi ký hợp đồng thuê xe và trả 50 triệu đồng (45 triệu thuê tháng đầu và 5 triệu chi phí đưa xe ra Phan Thiết), Vân Anh được nhân viên công ty giao ôtô cùng giấy đăng kiểm và một bản photo giấy đăng ký xe. Tuy nhiên, đến thời hạn trả xe, người của công ty gọi điện đòi nhưng cô không trả, chạy xe ra tỉnh Ninh Bình.
"Lúc ra đây, do bị cáo mua hai sim số đẹp nhưng không có tiền trả nên nghĩ đến việc bán chiếc ôtô", Vân Anh khai.
Cơ quan điều tra xác định Vân Anh đề nghị bán ôtô đang thuê cho anh Bùi Đức Hiếu (trú Ninh Bình) với giá 500 triệu đồng. Tháng 6/2022, sau khi nhận cọc 160 triệu đồng của anh Hiếu, Vân Anh vào TP HCM thuê một người không rõ lai lịch làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe giao cho anh Hiếu và yêu cầu chuyển thêm tiền cọc. Anh Hiếu đã chuyển tổng cộng 390 triệu đồng.
Lúc này, nhân viên công ty cho thuê xe lần theo định vị, tìm ra chiếc xe đang ở tỉnh Ninh Bình và phát hiện Vân Anh đã bán nên trình báo.
Nêu quan điểm về vụ án, VKS cho rằng hành vi phạm tội của Vân Anh là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, gây ảnh hưởng rất xấu đến trật tự trị an xã hội, cần xử lý nghiêm để răn đe. Quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, bồi thường thiệt hại và được phía bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Từ đó, VKS đề nghị tòa tuyên Vân Anh 8-10 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 3-4 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Nói lời sau cùng, Vân Anh xin lỗi anh Hiếu và công ty cho thuê xe; đồng thời xin lỗi gia đình và mẹ vì để ảnh hưởng xấu đến họ. Cô cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm về hòa nhập cộng đồng, làm lại từ đầu.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, có ông ngoại là người có công với cách mạng; được bị hại xin giảm án... nên tuyên phạt ở mức thấp nhất VKS đề nghị. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành 11 năm tù cho cả hai tội danh.
Bé gái 2 tháng tuổi bị bạo hành dã man đã được xuất viện
Nguồn tin riêng của Báo Phụ nữ Việt Nam cho biết, nạn nhân trong vụ bạo hành gây xôn xao dư luận tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - bé gái N.N.T.C vừa được xuất viện.
"Bé T.C đang được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng nuôi dưỡng. Tình trạng sức khỏe của bé đã khá hơn, tuy nhiên, chân và tay bị gãy thì vẫn đang bó bột, chưa tháo được. Những người chăm sóc bé đang theo dõi sát sao sức khỏe của bé", nguồn tin cho biết.
Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, vào khoảng 17h ngày 20/5/2023, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp nhận một ca cấp cứu đặc biệt. Người được cấp cứu là bé gái N.N.T.C, sinh ngày 25/2/2023, thường trú tại P.3, TP Đà Lạt, với đa chấn thương như tổn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương cẳng chân, gãy xương đùi...
Mẹ bé gái tên là N.P.H.A ly thân chồng từ tháng 2/2023, sau đó chị ta có tình cảm với Thương. Cả A.và Thương đều có tiền sử nghiện ma túy.
Ngày 24/5/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Lạt đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Hoài Thương về tội "Giết người" theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Viện KSND TP Đà Lạt đã phê chuẩn các quyết định và lệnh của Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Lạt. N.P.H.A cũng đang bị điều tra nhưng được cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ.
Tại cơ quan điều tra, Thương khai cùng mẹ cháu bé đã hành hạ, bạo hành bé T.C 5 lần với tính chất dã man, tàn bạo. Sau lần bạo hành cuối, thấy bé T.C mềm nhũn, ngất xỉu, cả hai mới đưa bé tới bệnh viện cấp cứu.
Ngày 25/5/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Lạt đã chuyển hồ sơ vụ án trên đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng để điều tra theo thẩm quyền.
Điều tra vụ cha bạo hành con trai 11 tuổi ở Đà Lạt
Ngày 9/6, lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết công an phường đã triệu tập ông Dương Quốc D. (46 tuổi) làm việc để làm rõ hành vi đánh đập con trai là cháu D.N.Q.A. (11 tuổi).
Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào tối ngày 7/6 tại nhà riêng của ông D., tại phường 8, TP Đà Lạt. Phát hiện sự việc, người dân đã can ngăn ông D. và cháu bé bỏ chạy. Tuy nhiên ông D. vẫn đuổi đánh vào mặt con trai làm miệng cháu bị tổn thương, bê bết máu.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Lạt cùng với UBND phường 8 đến nhà thăm hỏi, động viện cháu bé, đồng thời đề nghị cơ quan công an làm rõ, xử lý nghiêm.
Hai người bất ngờ hôn mê sâu sau bữa ăn trưa
Hai bệnh nhân nam là ông L.V.K (64 tuổi) và L.V.N (57 tuổi, đều trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất toàn bộ phản xạ gân xương và đồng tử, suy hô hấp, tiên lượng nguy kịch.
Trước đó, trưa 7/6, hai bệnh nhân cùng ăn con so nướng, sau ăn xuất hiện tình trạng tê bì môi lưỡi, yếu tay chân, nôn, khó thở, được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân ngộ độc so, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp cứu thải độc, hồi sức tích cực theo phác đồ như thông khí nhân tạo, thở máy, bơm than hoạt tính, rửa dạ dày.
Sau 24 giờ điều trị tích cực, đến thời điểm hiện tại, hai bệnh nhân đã thoát nguy cơ tử vong, chỉ số sinh tồn ổn định, có ý thức phản xạ cơ, tay chân đáp ứng y lệnh của bác sĩ.
Đây là hai trường hợp bệnh nhân ngộ độc so nguy kịch trong số các trường hợp ngộ độc so Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận từ đầu năm đến nay. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết độc tố so biển tác động mạnh lên thần kinh (đặc biệt là liệt), ngoài ra còn ảnh hưởng đến tim mạch và tiêu hóa.
Với liều rất thấp, độc tố này có thể gây rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh, ngừng tim, ngừng thở, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hình dạng của con so rất giống con sam nên các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng phân biệt khi sử dụng. Hiện nay, không có thuốc giải độc so biển đặc hiệu. Do đó, người bị ngộ độc cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
TP.HCM: Hạ cấp độ dịch, người mắc COVID-19 sẽ phải trả tiền điều trị
Thông tin trên được ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cung cấp tại cuộc họp báo về các vấn đề kinh tế xã hội chiều 8/6.
Ông Tâm cho biết, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Cụ thể, khi hạ COVID-19 xuống là bệnh truyền nhiễm nhóm B, người bệnh không còn bắt buộc phải cách ly, điều trị; vẫn sẽ được tự do đi lại bình thường.
"Ngoài ra, khi hạ cấp dịch, vấn đề điều trị, thuốc men hay chi trả chi phí y tế cho người dân sẽ không còn như cách ứng phó với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Do đó, mọi người sẽ cần thanh toán chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế nếu mắc COVID-19; chi phí tiêm vaccine nếu có" , ông Tâm cho hay.
Theo ông Tâm, mặc dù đồng thuận việc hạ cấp COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là hợp lý, đúng thời điểm. Tuy nhiên, theo chuyên gia, COVID-19 vẫn là dịch bệnh có tính đặc thù, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần đợi Bộ Y tế chính thức hướng dẫn.
Ngoài ra, việc đeo khẩu trang giờ đây không còn bị bắt buộc. Tuy nhiên, người dân vẫn nên thực hiện tốt 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe. Nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, có nguy cơ cao... và duy trì thói quen rửa tay, khử khuẩn để tránh các bệnh truyền nhiễm.
"Khi thay đổi cấp độ dịch đối với COVID-19, người dân sẽ phải chịu trách nhiệm chính cho sức khỏe của mình. Biện pháp phù hợp nhất trong thời điểm này vẫn là tuân thủ 2K. Đây vẫn là giải pháp quan trọng để phòng bệnh bởi không chỉ COVID-19 mà nhiều bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc, hô hấp cũng có thể gây nguy hiểm" , ông Tâm nhấn mạnh.
Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Theo Bộ Y tế, bệnh COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A và đề xuất điều chỉnh bệnh sang nhóm B bởi số ca mắc tại Việt Nam giảm 8,5 lần so với 2021; giảm 48 lần so với 2022.
Từ đầu năm đến ngày 29/5, nước ta ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong 5 tháng đầu năm giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%.
Đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2.