Tin 19/11: Xúc động hình ảnh điều dưỡng cố nắm tay bà cụ 'đòi chết' sau 10 năm chạy thận; xe Wave Alpha biển ngũ quý 9 được bán với giá 900 triệu đồng
Quá đau khi phải thủ thuật trước khi chạy thận, bà cụ ở TPHCM đòi chết đi để bớt khổ. Lúc này, một điều dưỡng dù mệt nhoài sau 12h làm việc liên tục vẫn đến ngồi xổm, nắm chặt tay để tiếp sức cho bệnh nhân; sau gần một tuần biển số 29C1-999.99 được một người phụ nữ bấm trúng cho xe Wave Alpha tại Công an quận Hoàn Kiếm, chiếc xe này đã được bán lại với giá 900 triệu đồng.
Điều dưỡng mệt nhoài vẫn cố nắm tay bà cụ 'đòi chết' sau 10 năm chạy thận
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ rộng rãi hình ảnh một nữ điều dưỡng ngồi như ngủ gục, nhưng vẫn cố nắm chặt tay bệnh nhân đang được bác sĩ can thiệp điều trị trên giường bệnh.
Hình ảnh trên được nhiều người cảm thán, bày tỏ sự xúc động trước tình cảm và cái tâm của nữ nhân viên y tế, khi cố gắng chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân của mình, dù qua cử chỉ cho thấy bản thân đã rất mệt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc trên diễn ra vào chiều 14/11 tại khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM). Điều dưỡng "ngồi gục" là chị Châu Thị Yến Trinh, còn bệnh nhân là một cụ bà 77 tuổi, đang làm thủ thuật đặt catheter để tạo đường hầm lọc máu, chạy thận.
Theo chia sẻ của chị Trinh, cụ bà trên mới chuyển đến bệnh viện 2 ngày, nhưng đã có 10 năm chạy thận ở nhiều nơi khác nhau. Quá trình chạy thận, bệnh nhân phải mổ 2 bên tay và đùi để tạo cầu nối lọc máu nhiều lần, khiến các mạch máu xơ vữa nhiều. Khi đến bệnh viện Lê Văn Thịnh, các bác sĩ buộc phải mổ tạo đường hầm ở vị trí cổ trái mới có thể lọc máu cho bệnh nhân.
Vì thủ thuật này kéo dài nhiều giờ, nên dù được gây tê và tiêm thuốc, bà cụ cảm thấy đau đớn và tinh thần suy sụp. Đỉnh điểm là thời khắc trên, khi bà cụ nói không muốn chạy thận nữa, và đòi chết đi để thoát cảnh khổ. Lúc này, điều dưỡng Trinh chạy đến, liên tục trấn an tinh thần và nói với bà cụ rằng phải ráng chạy thận tiếp, vì con cháu rất thương bà.
Sau đó, bà cụ đồng ý điều trị tiếp, nhưng tâm lý vẫn còn rất sợ hãi, liên tục than đau và mong có người nắm tay để bớt sợ. Lúc này, dù đã làm việc liên tục 12 giờ và có ý định tìm chỗ nghỉ chân nhưng trước tình cảnh trên của bà cụ, điều dưỡng Trinh vẫn quyết định ngồi lại, chìa tay cho nắm chặt để động viên bệnh nhân. Vì quá mỏi chân và mệt nhoài, nữ nhân viên y tế ngồi gục xuống.
Không phụ lòng các bác sĩ và nữ điều dưỡng, bà cụ cuối cùng cũng hoàn thành thủ thuật trên để chạy thận, tiếp tục hành trình đi tìm sự sống.
Bé 3 tuổi bị chó hàng xóm cắn trọng thương vùng đầu, mặt
Ngày 18-11, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa (có địa chỉ tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết đã phẫu thuật cấp cứu cho một bé trai 3 tuổi ở thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị chó nhà hàng xóm cắn trọng thương vùng mặt.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bé trai 3 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu do có nhiều vết thương hở, phức tạp tại vùng mặt, mắt, da đầu, để lộ xương sọ. Hai mắt tổn thương phần mềm mi trên, rách mi trên và nghi ngờ bị rách lệ quản hai bên.
Anh N.V.T. (bố bệnh nhân) thông tin bé đang chơi gần nhà, không may bị chó của nhà hàng xóm tấn công. Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện tuyến huyện, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ nhiều khoa của bệnh viện đã hội chẩn, tiến hành phẫu thuật cấp cứu, xử lý vết thương. Sau 11 ngày điều trị, hiện tại các vết thương đã khô, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.
Tìm được người đi lạc nhờ camera an ninh
Trung tá Vương Văn Khoa, Trưởng công an xã Đắk Som, huyện Đăk Glong, cho biết, từ nguồn xã hội hóa, xã đã lắp đặt được 11 camera an ninh tại khu vực trung tâm, các điểm nút giao thông, bến thuyền khu du lịch Tà Đùng. Hệ thống camera được kết nối trực tiếp với công an xã, UBND xã, công an viên và trưởng thôn, bon để theo dõi giám sát tình hình ANTT. Camera an ninh đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Và từ việc trích xuất dữ liệu camera, lực lượng công an xã đã phối hợp tìm kiếm và đưa cụ ông 73 tuổi ở xã Quảng Khê bị mất trí nhớ đi lạc về nhà an toàn. Từ hiệu quả thực tế, công an xã Đắk Som đang tiếp tục nhân rộng mô hình camera an ninh đến tất cả các khu dân cư.
Xe Wave Alpha biển ngũ quý 9 được bán với giá 900 triệu đồng
Người mua lại chiếc xe này là anh Đỗ Trung Hiếu (ở Hà Nội). Anh Hiếu là người khá có tiếng trong giới sưu tầm xe biển số đẹp.
Người đàn ông cho biết sau khi có thông tin chủ xe máy bấm được biển số 29C1-999.99 anh đã xin địa chỉ và đến nhà hỏi mua lại chiếc xe. Tuy nhiên, phải mất mấy ngày chủ chiếc xe máy mới đồng ý bán.
"Lúc đầu họ từ chối và không tiếp tôi nhưng sau nhiều ngày thuyết phục họ cũng đồng ý bán. Tôi mua lại chiếc xe máy này với giá 900 triệu đồng, thấp hơn so với đồn đoán ban đầu của mọi người là hơn 1,6 tỷ đồng", anh Hiếu nói và cho biết đây đã là mức giá rất đắt cho một chiếc xe số bình dân vốn có giá gốc chỉ trên 20 triệu đồng.
"Chưa từng có một Wave Alpha nào có mức giá cao như vậy. Trước đây chiếc Wave Alpha biển 29D1-888.888 có giá hơn 300 triệu đồng", người đàn ông này tiếp tục chia sẻ.
Anh Đỗ Trung Hiếu cũng cho rằng sau khi mua xe về sẽ để trưng bày chứ không chạy bởi biển số xe 29C1-999.99 có nhiều ý nghĩa đẹp. Mã biển số là 29C1 - biển của quận Hoàn Kiếm thường đắt hơn biển các quận/huyện khác, được dân chơi biển ưa chuộng nhất.
Trước đó ngày 11/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xác nhận với Zing biển số 29C1-999.99 được một phụ nữ (trú tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) bấm trúng. Nguồn tin cũng xác nhận chị này đi đăng ký cho xe máy hiệu Honda Wave Alpha, sản xuất năm 2022. Chiếc xe này được đăng ký lần đầu.
Cơ quan chức năng cũng cho biết đây là biển số được bấm ngẫu nhiên và đội nghiệp vụ Công an quận Hoàn Kiếm đã bàn giao biển số cho người phụ nữ sáng cùng ngày.
Trong khi đó, trên thị trường giá lăn bánh mẫu Honda Wave Alpha 110 là 21-23 triệu đồng tùy phiên bản.
Hà Nội yêu cầu sớm khắc phục tình trạng cá chết ở hồ Tây
Chiều 18/11, đại diện UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, quận này đang phối hợp với các sở ngành liên quan nhanh chóng khắc phục tình trạng cá chết trôi dạt vào ven bờ hồ Tây.
"Trong sáng nay (ngày 18/11), lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quận Tây Hồ chủ động phối hợp với các sở ngành sớm khắc phục tình trạng cá chết ở hồ Tây", đại diện UBND quận Tây Hồ nói.
Trước yêu cầu trên, quận Tây Hồ đã liên hệ Xí nghiệp thoát nước số 1 - Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề nghị tăng cường công nhân vớt cá chết trôi dạt ven hồ.
Quận Tây Hồ cũng đã đề nghị Chi cục Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Nông thôn) hướng dẫn cách đánh bắt để giảm mật độ cá ở hồ Tây.
Ngoài ra, quận này cũng đề nghị Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) rà soát, quan trắc các điểm xả nhằm đánh giá chất lượng nước để có biện pháp xử lý thích hợp.
Từ cuối tháng 9 đến nay, tại hồ Tây xuất hiện tình trạng cá chết trôi dạt vào ven đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân, bao gồm: Hàm lượng oxy trong nước giảm, cá trong hồ nhiều, cá bị bệnh, nước ô nhiễm và có khí độc (do bùn, tảo gây ra)...
Từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý khai thác hồ Tây được giao cho 7 sở, ngành thành phố quản lý, đan xen theo lĩnh vực chuyên ngành, không có một đầu mối quản lý thống nhất.
Điều này dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện quản lý hồ; khó khăn, bất cập khi tổ chức khai thác, bảo vệ các giá trị của hồ Tây.
Trước thực trạng nhiều đầu mối quản lý nhưng không có đầu mối thống nhất, Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng phối hợp với sở, ngành có liên quan tham mưu ban hành quyết định về quy định quản lý hồ Tây, trong đó, UBND quận Tây Hồ sẽ là đầu mối trong việc quản lý, khai thác hồ Tây.
Cô gái ở làng trẻ SOS và giấc mộng đổi đời ở môi trường mới