Tin Công Thương 8/4: Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát xuất xứ hàng hóa
Ngày 8/4, báo chí đã đưa nhiều thông tin liên quan đến ngành Công Thương. Báo Công Thương xin điểm lại một số thông tin đáng chú ý.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Báo Sài Gòn giải phóng đăng tải thông tin:"Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát xuất xứ hàng hóa"
Bộ Công Thương đang kiến nghị sửa đổi nghị định về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa (C/O); đồng thời sẽ xây dựng một website riêng để minh bạch thông tin này của doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cho biết, Bộ Công Thương đang tăng cường kiểm soát xuất xứ hàng hóa nhằm ngăn gian lận và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo ông, xuất xứ hàng hóa đang trở thành “điểm nóng” trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.

Cơ quan chức năng sẽ siết chặt yêu cầu minh bạch xuất xứ của hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Công Thương đang hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng đúng quy tắc xuất xứ trong FTA, đồng thời siết chặt kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn gian lận.
Bộ Công Thương đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 31/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa) để phù hợp với thực tế biến động, đảm bảo đồng thời mục tiêu kiểm soát và thúc đẩy xuất xứ hợp pháp.
Đồng thời, một website riêng về xuất xứ hàng hóa đang được Bộ Công Thương xây dựng nhằm giảm tình trạng khai báo sai hoặc gian lận không chủ ý (do doanh nghiệp thiếu thông tin) và giúp minh bạch hóa dữ liệu trong bối cảnh gia tăng kiểm tra từ các nước nhập khẩu. Hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ đã chuyển sang hình thức trực tuyến, giúp rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.
Trên trang Tạp chí kinh tế đăng tải thông tin: "Ngành gỗ Việt Nam mong muốn nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ"
Trung Quốc đã cấm nhập gỗ tròn, gỗ xẻ từ Hoa Kỳ (mỗi năm ước tính khoảng 2 tỷ USD), vì vậy Hoa Kỳ đang tìm đầu ra cho ngành hàng xuất khẩu này. Do đó, ngành gỗ Việt nam mong muốn sẽ nhập khẩu khối lượng gỗ tròn và gỗ xẻ này từ Hoa Kỳ để phục vụ chế biến gỗ, sau đó xuất khẩu đồ gỗ thành phẩm sang Hoa Kỳ…
Lĩnh vực năng lượng
Ngày 8/4 trên trang Năng lượng quốc tế đăng tải thông tin: "Năng lượng tái tạo cung cấp mức điện năng toàn cầu kỷ lục vào năm 2024"
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember công bố hôm thứ Ba tuần trước, sản xuất điện tái tạo đã cung cấp mức kỷ lục 32% lượng điện toàn cầu vào năm ngoái, trong khi nhu cầu điện nói chung tăng 4% do nắng nóng và nhu cầu sử dụng tại các trung tâm dữ liệu.
Báo cáo Đánh giá Điện toàn cầu của Ember cho thấy sự tăng trưởng của sản lượng điện tái tạo - bao gồm gió, thủy điện và mặt trời - trong cơ cấu điện toàn cầu vào năm 2024 đã vượt qua mức kỷ lục 30% của năm trước.
Bruce Douglas, Giám đốc điều hành của Liên minh năng lượng tái tạo toàn cầu cho biết trong một tuyên bố kèm theo báo cáo: "Bất chấp những trở ngại về địa chính trị và kinh tế, ngành năng lượng tái tạo đã cung cấp thêm 858 TWh điện cho hệ thống vào năm ngoái - nhiều hơn tổng mức tiêu thụ điện hằng năm của Vương quốc Anh và Pháp".
Báo cáo trên cho thấy mức tiêu thụ điện tăng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu, xe điện và điều hòa, đã đóng góp 0,7% vào mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu vào năm ngoái.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Báo Vov.vn đăng thông tin: "Cà Mau kêu gọi người dân bình tĩnh, doanh nghiệp chung tay giữ giá tôm"
Sau khi Mỹ công bố sẽ áp thuế đối ứng 46% đối với nước ta, tại Cà Mau - tỉnh có thế mạnh về xuất khẩu tôm, giá tôm có chiều hướng giảm. Vùng chuyên canh tác tôm - lúa huyện Thới Bình, hiện đang là chính vụ nuôi.
Ông Huỳnh Văn Dũng (ở ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) người dân nuôi tôm, cho biết giá tôm sú mấy ngày qua đã giảm khoảng 10%: “Bây giờ giá tôm đang giảm, thương lái vô mua nói bị ảnh hưởng thuế, giá giảm. Bà con cũng lo lắng, sợ làm không có lời. Đánh thuế thì nông dân lúc nào cũng phải chịu hẹp, thương lái cỡ nào họ mua cũng có lãi. Còn nông dân mua rẻ cỡ nào cũng phải bán thôi, không bán thì đưa đi đâu. Thuế mà đánh nhẹ thì đỡ, đánh nặng quá người dân làm sao có lời được”.
Lo ngại giá tôm có thể sẽ giảm thêm, tại các vùng nuôi tôm chủ lực của tỉnh Cà Mau như, huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn,… xuất hiện tình trạng người dân thu hoạch, bán tháo tôm. Điều này dễ xảy ra đối với hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và càng làm giá tôm có nguy cơ giảm sâu hơn.
Lĩnh vực phòng vệ thương mại
Trang Tạp chí tài chính đăng tải thông tin: "Phòng vệ thương mại góp phần đảm bảo môi trường thương mại công bằng"
Bộ Công Thương cho biết, đối với công tác bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, trong 3 tháng đầu năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục điều tra 03 vụ việc chống bán phá giá, 03 vụ việc rà soát cuối kỳ và 03 vụ việc rà soát biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã khởi xướng trong năm 2024 (trong đó đã hoàn thành 01 vụ việc); khởi xướng rà soát 01 vụ việc rà soát mới.
Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Để giúp các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn trước nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh, Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật danh sách, đăng tải thông tin cảnh báo sớm các mặt hàng có khả năng bị nước ngoài điều tra trên trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại và của Bộ Công Thương, đồng thời gửi thông báo đến các cơ quan, hiệp hội liên quan. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các chính sách thuế quan khác của Hoa Kỳ để báo cáo Chính phủ và thông báo đến các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan.

Đến hết tháng 3/2025, đã có 282 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Báo kinhdoanhnet.vn đăng tải: "Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ 40-88% đối với tôn mạ Việt Nam"
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, khi DOC nhận được đơn kiện từ các nhà sản xuất thép Mỹ. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam bị chịu mức thuế cao do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Do đó, họ sử dụng giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán mức thuế cho Việt Nam. Ngoài thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn phải đối phó với cuộc điều tra trợ cấp đang được DOC tiến hành song song. Kết quả của cuộc điều tra này có thể dẫn đến việc áp thêm thuế đối kháng lên các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.