Tín dụng chính sách đảm bảo an sinh xã hội

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển KT – XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thực hiện quan điểm TDCSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40 ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH; giai đoạn 2014 – 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành trên 10 nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, công văn lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, phát huy hiệu lực, hiệu quả nguồn vốn TDCSXH với hàng trăm nghìn lượt hộ đồng bào các DTTS, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Nông Văn Xuân, thôn Bản Mào, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) chăn nuôi lợn hiệu quả.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Nông Văn Xuân, thôn Bản Mào, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) chăn nuôi lợn hiệu quả.

Qua đó, giai đoạn 2014 – 2024, nguồn vốn TDCSXH đã được đầu tư đến 193/193 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, bản, tổ dân phố. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện trên 19 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay trong 10 năm qua đạt trên 10.000 tỷ đồng, với 255.112 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 6.757 tỷ đồng, bằng 67% doanh số cho vay. Tính đến 30.4.2024, có 94.234 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 54,6 triệu đồng, tăng 35,6 triệu đồng so với năm 2014. Dư nợ tập trung ở một số chương trình lớn như: Chương trình tín dụng hộ nghèo, cận nghèo... Dư nợ ủy thác đạt 5.146,2 tỷ đồng, tăng 3.341 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ lệ 99,9%/tổng dư nợ tín dụng chính sách...

Nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 69.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 29.240 lao động; xây dựng 57.163 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn; xây dựng được 1.268 căn nhà ở cho hộ nghèo; 49.973 hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 355 căn nhà ở xã hội. Đóng góp đáng kể vào công tác giảm nghèo của tỉnh trong 10 năm qua, với tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm bình quân khoảng 5%/năm; trong đó, giai đoạn 2016 - 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 25,11% (từ 43,65 xuống còn 18,54%), giai đoạn 2022-2023 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm 10,96% (từ 42,08% xuống còn 31,12%). Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh giai đoạn 2014 – 2023 tăng 20,6 triệu đồng, từ 16,2 triệu đồng/người/năm lên 36,8 triệu đồng.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Lê Tuấn Quang đánh giá: Có được kết quả trên là nhờ sự thay đổi nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện TDCSXH. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Cùng với đó, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, ngân sách tỉnh và các huyện đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn 271 tỷ đồng, tăng 253,4 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40 được ban hành.

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy Đảng các cấp là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Hằng năm, trong kế hoạch, chương trình công tác, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đều xây dựng kế hoạch triển khai, trọng tâm là công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả TDCSXH trên địa bàn và đề ra các giải pháp tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng TDCSXH. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã làm tốt công tác phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện TDCSXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả các chương trình TDCSXH.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Tỉnh ủy khẳng định: Giai đoạn 2015 đến nay các chương trình TDCSXH, góp phần thực hiện được các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển KT – XH trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202407/tin-dung-chinh-sach-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-33c1799/