Tín dụng chính sách: Khơi dậy ý chí thoát nghèo ở Tuần Giáo

Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tuần Giáo được triển khai hiệu quả đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác từng bước nâng cao đời sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuần Giáo thực hiện giao dịch tại xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuần Giáo thực hiện giao dịch tại xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo

Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn tín dụng chính sách xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả ở Tuần Giáo. Nguồn vốn chính sách xã hội hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Việc triển khai sâu rộng, quyết liệt Chỉ thị 40-CT/TW đã tạo cuộc cách mạng về nhận thức, hành động; thúc đẩy mạnh mẽ thay đổi tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách về tín dụng ở huyện Tuần Giáo. Đơn cử như việc bố trí, huy động nguồn lực ủy thác của huyện và công tác phối hợp của chính quyền các xã, thị trấn nhằm nâng cao hoạt động tại các điểm giao dịch.

Được biết, ngay khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW dù ngân sách huyện hạn hẹp nhưng hàng năm UBND huyện Tuần Giáo vẫn cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH huyện bổ sung nguồn vốn cho vay. Gần 10 năm qua, tổng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH huyện là hơn 4 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và trung ương cho người nghèo và đối tượng chính sách vay phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ 19 điểm giao dịch tại 19 xã, thị trấn để Ngân hàng CSXH tổ chức giao dịch an toàn, đảm bảo mục tiêu 100% người nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu đều được giải quyết cho vay và tiếp cận đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp. Hàng tháng, Ngân hàng CSXH huyện Tuần Giáo tổ chức giao dịch với người dân ngay tại xã, thị trấn. Mọi hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm… đều được thực hiện tại điểm giao dịch xã, thị trấn. Hiện nay, 100% khối lượng giao dịch của ngân hàng với khách hàng được thực hiện an toàn, thuận lợi, giúp người dân tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ ngay tại địa bàn sinh sống, tiết giảm thời gian và chi phí.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo phát triển sản xuất, trong những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuần Giáo đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả; hàng năm, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tuần Giáo đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời phối hợp với các Hội đoàn thể ủy thác cho hội viên, đoàn viên vay vốn với nhiều chương trình tín dụng cho vay như: vay vốn sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay nhà ở theo Nghị định 100/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ làm nhà theo Nghị định 28/2022; cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo QĐ-22/2023…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuần Giáo có 12.189 lượt hộ vay còn dư nợ, với 317 tổ TK&VV trải khắp 177 khối bản trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục giúp người nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tập trung điều chỉnh kế hoạch tín dụng cho vay để vừa phù hợp với tình hình thực tế của Ngân hàng vừa phát huy vai trò là cầu nối, là bạn đồng hành cùng người dân nghèo trên con đường thoát nghèo bền vững.

Đến thăm cơ ngơi của gia đình anh Lò Văn Hiến, ở bản Giăng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Cũng như những gia đình khác trong bản, từ trước tới nay vẫn chăn nuôi chủ yếu bằng hình thức thả rông, thả tự nhiên trên rừng nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp, gia súc phát triển rất chậm. Không những thế, dịch bệnh xảy ra thường xuyên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi, phát triển gia súc. Anh Hiến đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn hỗ trợ sản xuất của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuần Giáo để chuyển đổi mô hình kinh tế. Với số tiền 50 triệu đồng, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, chuyển từ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi nhốt tập trung, từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Anh Hiến phấn khởi cho biết: “Hiện tại nhà tôi đang có 19 con bò. Từ khi chuyển đổi mô hình chăn nuôi, đàn gia súc của gia đình tôi phát triển tốt, không xảy ra bệnh tật, lại giảm được công chăn sóc, khi xuất bán được giá hơn so với khi chăn thả tự nhiên. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tôi tiếp tục mở rộng mô hình phát triển chăn nuôi, chuyển đổi sang nuôi thêm thủy sản, nuôi gà… Từ mô hình này, trừ chi phí gia đình tôi có nguồn thu từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Trong quá trình đó, tôi luôn có “người bạn đồng hành” là vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện”. Hiện nay, gia đình tôi đã trả hết số dư nợ đã vay trước đó”.

Thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình anh Lò Văn Hiến (đứng giữa), ở bản Giăng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo

Thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình anh Lò Văn Hiến (đứng giữa), ở bản Giăng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo

Còn gia đình chị Lò Thị Duân, ở bản Hiệu, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, ít ai nghĩ, chỉ trong thời gian ngắn, cùng xuất phát điểm như bao gia đình khác nhưng nhà chị Duân lại vươn lên trở thành hộ khá giả. Chị Duân tâm sự: “Trước đây gia đình tôi cũng là hộ nghèo. Nhưng từ khi được vay vốn Ngân hàng CSXH huyện, đầu tư mua trâu, lợn về chăn nuôi, gia đình tôi mới dần thoát khỏi cơ cực. Tận dụng khoảng đất trống quanh nhà chị trồng thêm cỏ voi làm thức ăn cho trâu, vừa chủ động cho việc nuôi nhốt vừa kiểm soát được dịch bệnh, nhờ đó đàn trâu phát triển thuận lợi. Ngoài ra, gia đình chị nuôi thêm 3 con lợn nái, lợn thịt, mỗi năm xuất bán trên 3 lứa lợn thịt mỗi năm chị thu về trên 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, chị mong muốn trong năm 2024 tiếp tục được vay thêm vốn để đầu tư mở rộng mô hình trâu bò sinh sản để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Mô hình vay vốn tín dụng chính sách tại bản Hiệu, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo

Mô hình vay vốn tín dụng chính sách tại bản Hiệu, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo

Được “tiếp sức” 50 triệu đồng, anh Lò Văn Loan, ở bản Chăn, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo lựa chọn cho mình phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Anh là một trong những người tiên phong và là một trong những hộ có số lượng lớn ở bản cho biết: “Từng nuôi dê nhưng thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao, không kiểm soát được dịch bệnh, dê hay bị chết, nên từ năm 2018, gia đình anh quyết định chuyển sang nuôi dê nhốt chuồng. Nuôi dê xoay vòng vốn nhanh. Nhằm bảo đảm thức ăn cho đàn dê, gia đình anh đã tận dụng vườn đồi trống của gia đình để trồng cỏ voi, trồng chuối cho dê ăn. Hiện nay, gia đình anh luôn duy trì đàn dê trên 120 con, mỗi năm xuất bán 3, đến 4 lứa cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.

Anh Lò Văn Loan, bản Chăn, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo chăm sóc đàn dê của gia đình

Anh Lò Văn Loan, bản Chăn, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo chăm sóc đàn dê của gia đình

Đây là ba trong số hàng nghìn hộ ở huyện Tuần Giáo đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách. Có thể nói, việc bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành "chìa khóa” mở cửa cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, từng bước làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Thống kê của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuần Giáo cho thấy, từ năm 2014 đến nay doanh số cho vay của đơn vị đạt 1.182 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay tập trung đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay đạt 885 tỷ đồng, chiếm 75% tổng doanh số cho vay. Đến nay tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện Tuần Giáo đạt 762,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi chính sách, trong 10 năm qua đã có hơn 29.890 lượt hộ nghèo, cận nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo; 1.218 hộ xóa được nhà tạm, dột nát theo chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; xây dựng được 1.343 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn giúp cải thiện môi trường sống; 779 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học; 489 lao động được vay vốn tạo việc làm...

Qua 10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, cho vay tín dụng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tuần Giáo giảm trung bình 5,14% giai đoạn đầu thì đến hết năm 2023 đã tăng lên hơn 8,73%. Nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự đi vào cuộc sống tại huyện Tuần Giáo, huy động nguồn lực của địa phương tạo động lực giúp người nghèo và đối tượng chính sách vươn lên trong sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo. Nhờ nguồn vốn ưu đãi đã tạo "đòn bẩy” giúp đồng bào các dân tộc huyện Tuần Giáo từng bước vươn lên, phát triển kinh tế, thoát nghèo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

PGD NHCSXH huyện Tuần Giáo - Điện Biên

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-khoi-day-y-chi-thoat-ngheo-o-tuan-giao-159332.html