Yêu cầu bắt buộc là không để thiếu điện
Trong bối cảnh hiện nay, khi các hoạt động kinh tế, xã hội ngày càng phụ thuộc vào nguồn điện, việc đảm bảo cung cấp điện ổn định và đầy đủ cho mọi ngành nghề, hộ gia đình đã trở thành một yêu cầu bắt buộc. Thiếu điện không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tại Hội nghị tổng kết công tác Bộ Công Thương mới đây, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp.
Trong đó, đòi hỏi ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này. Trong đó, Bộ Công Thương cần triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Không để thiếu điện là yêu cầu bắt buộc và là một bài toán khó trong bối cảnh những năm vừa qua chưa có nhiều dự án nguồn điện mới, lưới điện được triển khai.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2025, kinh tế đất nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, xã hội là rất lớn; nguồn vốn đầu tư FDI về Việt Nam khá lớn, nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/2/2025… nên việc cung cấp điện cần bảo đảm tăng trưởng từ 11% trở lên.
Theo đó, Bộ Công Thương thống nhất 3 kịch bản cung ứng điện cho năm 2025, gồm: Kịch bản 1 (Kịch bản cơ sở): Tăng trưởng điện năng phải đạt từ 11-12%, các tháng mùa khô phải đạt từ 13% trở lên. Kịch bản 2 (Kịch bản cao): Từ 12-13% trở lên, các tháng mùa khô phải đạt 14% trở lên. Kịch bản 3 (Kịch bản cực đoan): Phải đạt từ 14-15% trở lên, các tháng mùa khô phải đạt 16% trở lên.
Theo Bộ Công Thương, năm 2024, hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Ước tính cả năm 2024, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 309,7 tỷ kWh, tăng trưởng 10,09% so với năm 2023. Công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc và các khu vực miền Bắc, Trung và Nam tăng trưởng lần lượt 7,52%, 8,01%, 4,66%, và 8,7%.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt khoảng 8% thì sẽ tương ứng với kịch bản 2 cung ứng điện (Kịch bản cao): Từ 12-13% trở lên, các tháng mùa khô phải đạt 14% trở lên. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, với nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%, cần phải tăng thêm từ khoảng 2.200 - 2.500MW công suất. Đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh nhiều dự án nguồn điện còn chậm tiến độ. Song, như yêu của của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không được để thiếu điện cho năm 2025.
Do vậy, cần tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện của năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu điện trong mọi tình huống, tuân thủ các quy định của pháp luật, tối ưu chi phí mua điện của toàn hệ thống và bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.
“Bên cạnh việc chủ động điều độ, vận hành hệ thống, nhất là sau khi Bộ đã tiếp nhận và thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện (NSMO), cần tập trung triển khai và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng, thị trường điện, trong đó có rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, phù hợp với xu thế chung của thế giới và tiềm năng, lợi thế, điều kiện của đất nước”, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho hay.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, nhu cầu sử dụng điện của Vĩnh Phúc thời gian tới tiếp tục tăng do một số khu công nghiệp đi vào hoạt động và số dự án đầu tư vào tỉnh sẽ tăng. Đến năm 2025, nhu cầu công suất cực đại của tỉnh đạt xấp xỉ 1.050MW; điện thương phẩm đạt xấp xỉ 5,014 tỷ kwh, tăng trưởng bình quân đạt 11.6%/năm; tổng công suất điện đăng ký của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2024 - 2025 là 573MW.
Do đó, để bảo đảm cấp điện ổn định không chỉ cho Vĩnh Phúc mà cho cả các tỉnh, thành phía Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục phối hợp cùng tỉnh Vĩnh Phúc bảo đảm nhu cầu về năng lượng điện của Vĩnh Phúc và an ninh năng lượng quốc gia; bảo đảm điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, tuyệt đối không để thiếu điện.
Tại Hà Nội, cũng đã chủ động xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm cấp điện cho Thủ đô năm 2025. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện thành phố. Hà Nội đã xây dựng hai phương án vận hành khi phụ tải tăng trưởng cơ sở ở mức 8% và tăng trưởng phụ tải cực đoan nhất 12%. EVNHANOI cũng đã chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình đầu tư xây dựng để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ khách hàng trên địa bàn Thủ đô. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý góp phần bảo đảm vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải chủ động lập kế hoạch sản xuất điện, chuẩn bị nguồn than đảm bảo đủ than theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện hàng tháng và cả năm 2025, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bị động trong chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất điện.
Việc không để thiếu điện không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong cuộc sống hiện đại mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển ổn định và bền vững của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, các chính sách và giải pháp để đảm bảo nguồn cung điện liên tục và hiệu quả cần được ưu tiên và thực thi một cách nghiêm túc. Khi điện được đảm bảo, mọi hoạt động trong xã hội sẽ trở nên trôi chảy, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/yeu-cau-bat-buoc-la-khong-de-thieu-dien-i754562/