Tín dụng chính sách, nhìn lại vai trò hậu dịch
Tính đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng 14.666 tỷ đồng so với 31/12/2019,
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, toàn hệ thống đã thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thời tiết, đại dịch Covid-19… tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo đó, tính đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng 14.666 tỷ đồng so với 31/12/2019, bao gồm vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 19.505 tỷ đồng, tăng 4.071 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 12.760 tỷ đồng (+6,2%) với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 189.499 tỷ đồng, tăng 9.495 tỷ đồng (+5%), hoàn thành 66% kế hoạch được giao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7% tổng dư nợ, riêng nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ.
Tổng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2020 đạt 42.583 tỷ đồng, với gần 1,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt 29.670 tỷ đồng.
Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ kịp thời, tạo việc làm cho gần 216.000 lao động, trong đó 1.900 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 9.000 lượt học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 770.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 11.500 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách...
Không có thông tin chính thức về gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được NHCSXH công bố.
Tuy nhiên, trao đổi bên lề với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHCSXH cho biết: “Sau hơn 1 tháng triển khai, gói tín dụng 16.000 tỷ đồng hiện chưa giải ngân được khoản vay nào, cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẵn sàng dành toàn bộ số vốn và ban hành thông tư về tái cấp vốn với đầy đủ chức năng cho NHCSXH.
Vấn đề còn vướng mắc là điều kiện, đối tượng được vay gói này và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đầu mối phối hợp, tham mưu cho Thủ tướng”.
Được biết, NHNN đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ sửa đổi Quyết định số 15 để giải ngân được gói tín dụng này nhằm sớm hỗ trợ doanh nghiệp.
Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách còn được chứng minh qua số liệu của 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội của Ban Bí thư khóa XI ban hành ngày 22/11/2014.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa phương; góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn hơn 4% (năm 2019).
Chính vì vậy, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW vừa diễn ra ngày 15/7/2020, ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia kinh tế trưởng thị trường tài chính Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã nói:
“Tôi rất ấn tượng với thành tích của NHCSXH, đặc biệt là trong những năm gần đây… Có thể thấy, NHCSXH đã trở thành một tổ chức quan trọng với phạm vi hoạt động rộng trên lãnh thổ Việt Nam, đóng vai trò chính trong việc xây dựng một hệ thống tài chính toàn diện tại Việt Nam. Nếu thiếu vai trò này, việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam sẽ khó thành hiện thực”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết, hiện nay, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu phi, biến đổi khí hậu…
“Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải tập trung làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế, điều này có ý nghĩa rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Muốn vậy, phải có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp, sự trung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, của toàn xã hội chúng ta”, ông Vượng nhấn mạnh.