Tín dụng chính sách ở cù lao - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Bài 1)
Hiện nay, toàn xã Mỹ Hòa Hưng có khoảng hơn 5.300 hộ dân sinh sống. Trong số này có tới trên 1.800 hộ đã và đang vay vốn từ các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh An Giang. Những đồng vốn tín dụng tuy không quá lớn, nhưng đã len lỏi vào từng xóm, ấp; giúp hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo và an cư lập nghiệp cho nhiều thế hệ người dân ở đất cồn giữa dòng sông Hậu.
Bài 1: “Vốn người nghèo” gõ cửa từng nông hộ
Đổi thay lớn ở “cồn nhiều không”
Về lại cù lao Phó Ba (tức ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) sau gần 15 năm, chúng tôi phải mất vài phút để định hình lại mảnh đất cồn mà hơn một thập kỷ trước chúng tôi đã từng có lần “cùng ăn, cùng ở” với gần 400 hộ dân trong nỗi lo nơm nớp vì sạt lở, mất nhà mất cửa.
Ngoài phà Ô Môi là phà chính dẫn từ TP. Long Xuyên sang cù lao Ông Hổ, hiện nay không còn bến phà nào nữa cả. Cù lao Phó Ba những năm trước “như con vịt con bám theo mẹ” giờ đã đuổi kịp đàn. Khoảng sông rộng chừng hơn 300 mét ngăn cách giữa cù lao Ông Hổ với cù lao Phó Ba giờ đã thành bãi bồi xanh ngắt và có thể qua lại được vào mùa nước cạn. Trạm nước sạch và lưới điện quốc gia cũng đã được kéo về cồn, không còn cảnh “ba không bốn thiếu” như những năm trước.
Đón chúng tôi ở Nhà văn hóa ấp Mỹ Thạnh, ông Sáu Tuấn (Nguyễn Minh Tuấn) – người đã từng đồng hành với chúng tôi khảo sát tình hình sạt lở ở cồn Phó Ba nhiều năm về trước không giấu được niềm vui:
“- Chú về đợt này tui mừng quá! Bên này bây giờ thay đổi nhiều lắm, chả thiếu thứ gì so với bên thành phố nữa đâu chú ạ. Điện nước, đường xá, trường học đều rộng rãi, khang trang đầy đủ hết cả rồi”.
Vừa sởi lởi trò chuyện về những đổi thay ở đất cồn, ông Sáu Tuấn vừa khoe với chúng tôi, hiện ông cũng đang là “cán bộ” vì nhiều năm nay ông được bà con tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng.
Trong những năm qua, ông cùng với các cán bộ Hội Nông dân xã và NHCSXH TP. Long Xuyên đã hỗ trợ hàng nghìn lượt người nghèo ở cồn Phó Ba vay vốn từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, vay vốn giải quyết việc làm, vay tạo lập nhà ở và vay học sinh sinh viên…
Dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình có vay vốn tín dụng chính sách tại ấp Mỹ Thạnh, ông Sáu Tuấn cho biết, những hộ gia đình như anh Phan Văn Trung (ngụ tại Tổ 8), chị Đỗ Thị Thúy Phượng (ngụ tại Tổ 10), trước đây đều là những hộ gia đình rất khó khăn, kinh tế phụ thuộc chủ yếu thu nhập ít ỏi từ việc làm vườn và đánh bắt cá ven sông Hậu. Tuy nhiên, thời gian qua, NHCSXH TP. Long Xuyên (thông qua Hội Phụ nữ xã) đã cho vay mỗi gia đình hơn 100 triệu đồng để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học phổ thông, đại học.
Chị Trương Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Phụ nữ xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, chỉ tính riêng đợt giải ngân gần đây nhất vào tháng 10/2024, các đoàn hội tại địa phương đã cùng với NHCSXH TP. Long Xuyên trực tiếp đến tận văn phòng ấp Mỹ Thạnh, giải ngân cho vay 1,5 tỷ đồng cho gần 80 hộ dân. “Hơn 300 hộ dân đang sinh sống ở cồn Phó Ba hiện nay, hầu như nhà nào cũng đã từng vay vốn của NHCSXH” – chị Hân cho biết.
Cũng theo chị Hân, đa số bà con trong ấp Mỹ Thạnh sử dụng vốn tín dụng chính sách khá hiệu quả. Từ ngày lưới điện được kéo từ TP. Long Xuyên sang cồn và địa phương đầu tư trạm cấp nước công suất 10m3/giờ, ấp Mỹ Thạnh đã phát triển rất nhanh chóng. Trong ấp hiện đã không còn hộ nghèo. Nhiều gia đình vay vốn phát triển nuôi cá trong lồng bè, trồng cây lâu năm, tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập của người dân, tăng 4-5 lần so với các năm trước.
Ân tình với những đồng vốn quay vòng
Theo nhận định của ông Hà Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, với đặc điểm là vùng đất cù lao nên các hoạt động đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương gặp khó khăn hơn so với nhiều phường, xã khác trên địa bàn TP. Long Xuyên.
Chính vì những khó khăn này, nên vai trò của NHCSXH tỉnh An Giang trong những năm vừa qua càng trở nên nổi bật, nhất là trong việc hỗ trợ địa phương cải tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm cho lao động tại chỗ.
“Xã Mỹ Hòa Hưng hiện nay có khoảng 5.400 hộ dân thì có tới hơn 1/3 hộ vay vốn NHCSXH. Mặc dù, tổng dư nợ cho vay chỉ khoảng 50 tỷ đồng, không quá lớn, nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với địa phương. Bởi nguồn vốn được quay vòng liên tục giúp hàng nghìn hộ dân có thể tiếp cận những khoản tiền lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, kinh doanh, đầu tư sửa chữa, gia cố nhà cửa và các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, đối với xã Mỹ Hòa Hưng, những năm trước đây, tình trạng sạt lở đất ven sông thường xuyên xảy ra. Hàng trăm hộ dân nhờ vay được vốn từ NHCSXH mới có điều kiện mua nhà trả chậm, mua nhà ở xã hội để an cư, lập nghiệp” – ông Sử nhấn mạnh.
Từ góc độ các hội, đoàn chính trị xã hội, chị Phạm Thị Thúy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho rằng, điểm nổi bật nhất trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở xã Mỹ Hòa Hưng là sự chân thành và nhiệt tình của hết thảy cán bộ chính quyền và nhân dân các tổ, các ấp.
Hiện nay, Hội Nông dân, Liên hiệp hội Phụ nữ xã được NHCSXH An Giang tin tưởng ủy thác trên 35 tỷ đồng để cho vay 8 chương trình tín dụng chính sách ở cù lao Ông Hổ và cù lao Phó Ba. Dù nguồn tiền không quá lớn, nhưng do các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn đều là những cô, bác có nhiều năm gắn bó với quê hương, hiểu rõ từng ngõ ngách đời sống của bà con nên hoạt động cho vay, sử dụng vốn vay rất hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, theo ghi nhận của NHCSXH tỉnh An Giang, có khoảng gần 1.200 hộ dân tại xã Mỹ Hòa Hưng còn dư nợ vay vốn từ chương trình tín dụng nước sạch, vệ sinh môi trường; trên 200 hộ đang vay vốn chương trình tín dụng học sinh sinh viên; gần 400 hộ vay vốn giải quyết việc làm và vay hộ cận nghèo. Nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp hàng trăm gia đình đầu tư các mô hình nuôi cá lồng bè; phát triển nghề làm nhang, nuôi ốc bươu đen, sản xuất móc câu, trồng cây hoa kiểng… vươn lên thành những hộ khá giả và quay trở lại trở thành những “mạnh thường quân” tài trợ kinh phí cho xã trong các phong trào xây dựng đời sống mới, nông thôn mới như mô hình: “Bồ lúa tình thương”, “Tủ áo từ thiện”, “Tổ hợp tác xe ôm”, “Tổ thu gom phân loại rác thải”…