Điểm mới của luật: Luật Nhà ở năm 2023 - 'Mở lối' pháp lý cho cải tạo chung cư cũ
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 2.500 chung cư cũ xuống cấp, cần được xây mới. Tuy nhiên, mới chỉ một số ít trong số này được cải tạo.
Riêng tại Hà Nội, trong số 1.579 khu chung cư cũ, nhà tập thể, có đến hàng chục khu nhà đang ở tình trạng nguy hiểm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đặc biệt, có 6 khu nguy hiểm cấp D (cấp độ nguy hiểm nhất) buộc phải phá dỡ, để xây dựng lại.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đến hết năm 2023 mới chỉ đạt 1,14% kế hoạch, với 19 khu được triển khai cải tạo, xây dựng lại.
Dù sự tồn tại của các chung cư cũ này không chỉ gây mất mỹ quan, mất an toàn cho người dân, tuy nhiên, việc cải tạo chung cư, thậm chí xây mới những khu nhà này vẫn đang gặp nhiều khó khăn do những điểm nghẽn về cơ chế, thủ tục mà Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn cũng như đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, gắn với tái thiết đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với 423/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%).
Luật Nhà ở năm 2023 đã kế thừa, phát huy những điểm tích cực của Luật Nhà ở năm 2014, dành riêng Chương V để quy định chi tiết về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cưỡng chế di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư quy định tại Điều 74. Những quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn, bất cập, tạo đột phá cho công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ trong thời gian tới.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!