Tín dụng chính sách xã hội đồng hành cùng người nghèo

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tam Dương được xác định là giải pháp căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương, gia đình ông Nguyễn Xuân Lượng, xã Thanh Vân đầu tư chăn nuôi gà cho thu nhập khá. Ảnh: Trường Khanh

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương, gia đình ông Nguyễn Xuân Lượng, xã Thanh Vân đầu tư chăn nuôi gà cho thu nhập khá. Ảnh: Trường Khanh

Thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ, tỉnh và của huyện được chuyển đến hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, ổn định xã hội.

Hiện nay, phương thức cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội được thực hiện tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung thông qua 4 tổ chức trị - xã hội (Hội LHPN; Hội CCB, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên).

Thông qua phương thức cho vay này, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công, chuyển giao KHKT vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

Đồng thời, hoạt động cũng như uy tín của các tổ chức hội, đoàn thể được mở rộng và nâng lên. Đây cũng là yếu tố góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính.

Tính đến thời điểm này, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH huyện đạt gần 400 tỷ đồng, trong đó, vốn được điều chuyển từ Trung ương hơn 265 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại ngân sách địa phương gần 64 tỷ đồng.

Tuy là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng Tam Dương luôn quan tâm, cân đối ngân sách để bổ sung nguồn vốn tăng hằng năm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Hiện nay, nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện là hơn 4,7 tỷ đồng.

Từ các nguồn lực tài chính, hoạt động cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được triển khai hiệu quả, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Từ 2 chương trình tín dụng được bàn giao là cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đang triển khai cho vay đối với 13 chương trình tín dụng chính sách.

Tổng dư nợ đạt gần 394 tỷ đồng với gần 9.900 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo, cận nghèo đạt trên 43 tỷ đồng với hơn 800 hộ; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt gần 118 tỷ đồng với gần 2.700 hộ vay…

Trong 20 năm qua, thực hiện tín dụng chính sách xã hội, huyện Tam Dương đã tập trung nguồn lực tài chính qua NHCSXH huyện cho vay được 41.410 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay hơn 988 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được thuận lợi, kịp thời.

Thông qua nguồn vốn đã giúp hơn 21.300 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 8.900 lao động; hỗ trợ xây mới và cải tạo 15.133 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 987 ngôi nhà cho hộ nghèo…

Không chỉ kịp thời hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, vốn tín dụng chính sách xã hội những năm qua đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, có trách nhiệm và sử dụng vốn vay hiệu quả.

Điển hình như gia đình chị Trương Thị Ngọc ở thôn Chấu, xã Hoàng Đan. Trước năm 2020, gia đình chị thuộc hộ nghèo của xã, kinh tế khó khăn nên thời gian đầu chị chỉ dám vay 30 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản và đã có nguồn thu nhất định.

Đời sống kinh tế bớt khó khăn hơn, đến năm 2021, gia đình chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu, bò, gia cầm. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập khá của xã.

Là hộ nghèo của xã Đồng Tĩnh nhiều năm qua, hộ bà Trần Thị Điệp ở khu II cũng thoát nghèo vươn nên làm giàu chính đáng từ nguồn vốn chính sách xã hội.

Năm 2018, bà Điệp vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm để nuôi bò sinh sản. Nhờ đầu tư đúng hướng nên thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể.

Năm 2021 bà được nâng hạn mức vay 50 triệu đồng để mở rộng mô hình nuôi bò sinh sản và bò sữa. Đến nay, gia đình bà có hơn 20 con bò sinh sản, bò sữa và là hộ có thu nhập cao trong xã.

Từ kết quả đạt được trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện những năm qua đã khẳng định tính ưu việt, nhân văn của chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình KT-XH, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Việc thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng NTM, ổn định chính trị, trật tự xã hội.

Nguồn vốn tính dụng chính sách cũng đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trong huyện từ 10 triệu đồng/năm (2002) lên trên 52 triệu đồng/năm (2022), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,15%.

Với vai trò là “trụ đỡ” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, huyện Tam Dương tiếp tục tập trung nguồn lực và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của tỉnh trong từng giai đoạn.

Đảm bảo thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Hoàng Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81620/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-dong-hanh-cung-nguoi-ngheo.html