Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng dân – kết nối sức mạnh - phát triển bền vững

'Đảng lãnh đạo, cầm quyền, nhưng dân là gốc, là chủ' Theo Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản thì nhất định phải có Đảng cộng sản theo lý luận đảng kiểu mới của Lênin lãnh đạo. Không có Đảng lãnh đạo, cách mạng không thể thắng lợi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững cần phải có nhiều nhân tố, trong đó đặc biệt là mối quan hệ Đảng với Dân. Nói đến dân là nói đến tài dân, sức dân, của dân, lòng dân, quyền dân, toát ra từ đó quyết tâm, đồng tâm, tín tâm, sự hăng hái, khôn khéo, sáng tạo, anh hùng. Ở Việt Nam chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước và phong trào yêu nước luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi, mọi thời đại của dân tộc.

Ý Đảng - lòng Dân và lòng Dân - ý Đảng thể hiện đặc biệt ở chỗ ra nghị quyết, chỉ thị. Cách đây 75 năm, Hồ Chí Minh đã cảnh báo “đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo” là làm việc theo cách quan liêu. Mà theo cách quan liêu, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại. Vì vậy, muốn ra chỉ thị, nghị quyết thì phải xuất phát từ thực tế, mà thực tế quan trọng nhất là tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi của các tầng lớp nhân dân. Theo đó ngày 22/11/2014, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. NHCSXH huyện Mai Châu đã tham mưu Huyện ủy, HĐND và UBND huyện ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đồng thời chỉ đạo Ban đại diện HĐQT-NHCSXH huyện, các tổ chức chính trị - xã hội huyện ban hành văn bản triển khai thực và chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai và tuyên truyền rộng rãi tới 100% các chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ lãnh đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương.

Để thực hiện tốt vai trò quản trị hoạt động của NHCSXH, trong những năm qua Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã duy trì tốt chế độ hoạt động theo quy chế, bám sát mục tiêu, định hướng của NHCSXH, của địa phương để triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người dân. Thực hiện tốt công tác phân bổ nguồn vốn, định hướng đầu tư các chương trình tín dụng chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, thường xuyên thực hiện kiểm tra giám sát công tác triển khai nguồn vốn tại cơ sở. Đặc biệt Ban đại diện huyện đã phát huy tốt vai trò của các ngành thành viên, trong việc chỉ đạo nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương gắn với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Đồng chí: Hà Trung Thảo- HUV, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chủ trì các phiên họp thường kỳ

Đồng chí: Hà Trung Thảo- HUV, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chủ trì các phiên họp thường kỳ

Sau 10 năm thực hiện Chỉ Thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ 9 chương trình năm 2014, hiện nay Mai Châu đã triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách. Trong giai đoạn 2014-2024, Phòng giao dịch NHCSXH Mai Châu đã giải ngân cho 29.535 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tổng doanh số cho vay đạt 965 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2024 tổng nguồn vốn đạt 433.364 tỷ đồng, tăng 163% và tổng dư nợ đạt 433.364 tỷ đồng, tăng 163% so với năm 2014. Dù ngân sách còn khó khăn, huyện đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH là 8.100 triệu đồng trong 10 năm qua, nâng tổng vốn ủy thác lên 9.918 triệu đồng, tăng 5,5 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Đồng chí Nguyễn Thị Tý- Cán bộ tín dụng tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ ngoại ngành

Đồng chí Nguyễn Thị Tý- Cán bộ tín dụng tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ ngoại ngành

Để truyền tải và quản lý nguồn vốn tín dụng lớn, với nhiều đối tượng vay vốn tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội CCB, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cùng với việc thành lập trên 200 Tổ TK&VV ở khắp các thôn, bản trên địa bàn huyện. Ngân hàng CSXH huyện cũng chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các hộ vay thông qua việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách cho đội ngũ cán bộ NHCSXH, cán bộ Hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV. Các tổ chức chính trị xã hội đã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn sử dụng vốn vay đối với hội viên. Qua đó đã đem lại hiệu quả tích cực trong quản lý, tuyên truyền, vận động, kiểm tra giám sát và hướng dẫn sử dụng vốn vay, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia trợ giúp người nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tổ giao dịch lưu động xã thực hiện giao dịch theo lịch cố định

Tổ giao dịch lưu động xã thực hiện giao dịch theo lịch cố định

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngay tại trụ sở UBND cấp xã. Được sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương, NHCSXH huyện đã tập trung xây dựng hệ thống Điểm giao dịch tại 100% các xã, thị trấn, với lịch trực giao dịch cố định hàng tháng, mọi hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, gửi tiền tiết kiệm của nhân dân đều được thực hiện và giải quyết ngay tại Điểm giao dịch xã, với cách thức thực hiện “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”. Hàng ngày trên các nẻo đường, đặc biệt là đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ ngân hàng chính sách xã hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy thực hiện đúng lịch trực giao dịch, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn chính sách nhanh và kịp thời, đồng thời giúp người dân khi vay vốn đến hạn trả nợ, trả lãi được thuận tiện.

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện đã giúp cho nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách có thêm nguồn lực để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Thiếu vốn để sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo cao ở vùng đồng bào DTTS ở huyện vùng cao Mai Châu. Khắc phục tình trạng này, nguồn vốn chính sách đã được Ngân hàng CSXH huyện triển khai giải ngân kịp thời, tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Cán bộ NHCSXH, TCH nhận ủy thác, Tổ TK&VV thăm mô hình chăn nuôi tại gia đình Ông Vì Văn Ườm

Cán bộ NHCSXH, TCH nhận ủy thác, Tổ TK&VV thăm mô hình chăn nuôi tại gia đình Ông Vì Văn Ườm

Gia đình anh Vì Văn Ườm, xóm Nà Mo, xã Nà Phòn trước kia thuộc diện hộ nghèo, nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện từ năm 2016 gia đình anh đã đầu tư nuôi 10 con dê và xây dựng chuồng trại kiên cố. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ nên đàn dê phát triển ổn định. Hiện tại gia đình anh đã thoát nghèo và đang vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn vốn Hộ mới thoát nghèo để chuyển từ nuôi dê cỏ sang nuôi dê Boer lai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Những năm qua, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng khoảng 15 đến 20 con cho thu nhập trên 100 triệu đồng và duy trì đàn thường xuyên từ 20 đến 25 con.

Cán bộ NHCSXH, TCH nhận ủy thác, Tổ TK&VV thăm mô hình chăn nuôi tại gia đình Bà Lường Thị Hạnh

Cán bộ NHCSXH, TCH nhận ủy thác, Tổ TK&VV thăm mô hình chăn nuôi tại gia đình Bà Lường Thị Hạnh

Cũng ở xóm Nà Mo, gia đình chị Lường Thị Hạnh trước kia cũng thuộc hộ nghèo của xã Nà Phòn, cả gia đình 5 nhân khẩu chỉ trông chờ vào hơn 2.000m2 đất ruộng. Quanh năm lam lũ song nhiều khi đến tháng giáp hạt cả gia đình vẫn không đủ ăn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Được tiếp cận với nguồn vốn vay cho hộ nghèo từ năm 2014, gia đình chị đã mua 2 con bò sinh sản về chăn nuôi. Tận dụng những khoảng đất trống quanh nhà, đất trống trên sườn núi chị trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho bò vừa chủ động cho việc nuôi nhốt vừa kiểm soát được dịch bệnh nhờ đó đàn bò của gia đình phát triển thuận lợi. Đến nay gia đình chị không những đã thoát nghèo mà còn dựng được ngôi nhà sàn khang trang cùng công trình phụ trợ tươm tất.

Anh Giàng A Làng - xã Hang Kia làm giàu từ vốn NHCSXH

Anh Giàng A Làng - xã Hang Kia làm giàu từ vốn NHCSXH

Anh Giàng A Làng đi lên từ 2 bàn tay trắng, mạnh dạn vay vốn NHCSXH mở dịch vụ Homestay và các dịch vụ từ nhuộm vải đặc sắc của người H’Mông đã thu hút khách du lịch nước ngoài và trong nước bằng cách quảng bá từ trang Facebook, tham gia hội nhóm du lịch cộng đồng... đến nay dịch vụ homestay tại gia đình đã và đang làm bạn bè du khách rất hài lòng. Kinh tế gia đình ngày một phát triển và ổn định.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ việc cấp phát cho không sang cho vay có điều kiện với lãi suất ưu đãi từ đó làm giảm tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn sửa chữa nhà ở, mua sắm các công cụ, dụng cụ phát triển sản xuất, xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia, phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt tăng thu nhập ổn định đời sống.... Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, Nhờ nguồn vốn ưu đãi đã tạo đòn bẩy giúp đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Mai Châu từng bước vươn lên, phát triển kinh tế, thoát nghèo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khẳng định rằng “Tín dụng chính sách xã hội- Ý Đảng, lòng dân – kết nối sức mạnh- phát triển bền vững”.

Khà Thị Phượng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-y-dang-long-dan-ket-noi-suc-manh-phat-trien-ben-vung-159334.html