Tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng
Tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng cho vay chủ đầu tư bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,52% so với cuối năm ngoái.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%.
Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% tổng dư nợ tín dụng bất động sản; dư nợ bất động sản tự sử dụng/tiêu dùng (cho vay người mua nhà, nhà đầu tư) đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng bất động sản.
Bất động sản cùng với chứng khoán là hai lĩnh vực ghi nhận tín dụng tăng trưởng trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản vẫn tăng chậm (tính đến cuối tháng 10/2023 đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng).
Nhà điều hành chính sách tiền tệ cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thị trường địa ốc; chỉ đạo các TCTD phối hợp với các cơ quan địa phương, các Hiệp hội bất động sản và kể cả các Tập đoàn có các dự án lớn đối thoại trực tiếp để tìm ra những khó khăn, vướng mắc cụ thể.
NHNN đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Đồng thời khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2024, Luật kinh doanh Bất động sản 2024 và các Thông tư hướng dẫn; thường xuyên thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án và việc tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản. Tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện để các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33 (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).
NHNN đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai, phối hợp với Bộ Xây dựng kết nối Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng được đề nghị chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan bảo đảm hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán lành mạnh, hiệu quả; kiểm soát tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Bên cạnh đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung - dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng.
Doanh nghiệp than chi phí vốn cao
Tại Hội nghị diễn ra ngày 14/3, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đánh giá, nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua đã có những tác động cụ thể và tích cực đối với doanh nghiệp.
Cụ thể, bên cạnh việc tháo gỡ về chính sách thì Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ các chính sách tiền tệ hỗ trợ kinh tế, nhất là việc duy trì lãi suất thấp và giảm lãi suất cho vay. Theo đó, Sun Group đã được vay với lãi suất giảm rất nhiều so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động giao các hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm, giúp cho các ngân hàng thương mại và Sun Group hợp tác có những kế hoạch ngay từ đầu năm để phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, Thông tư 22/2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 điều chỉnh giảm hệ số rủi ro một số khoản vay giúp cho các ngân hàng thương mại có thêm dư địa cho việc hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội và các dự án bất động sản công nghiệp cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Cũng theo ông Trường, các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đi các địa phương để tháo gỡ kịp thời rất nhiều các dự án cụ thể về bất động sản.
Tuy nhiên để đẩy nhanh tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đại diện Sun Group đưa ra một số đề xuất. Thứ nhất, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Thứ hai là đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.
Thứ ba là với các chính sách hiện hành cũng như trong tương lai hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đề nghị Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.
Cuối cùng, đại diện Sun Group mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể, hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước khá là lớn (khoảng 4 - 5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi.
Trong khi đó, ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) cho biết Becamex IDC cũng như hệ sinh thái của doanh nghiệp luôn nhận được sự hợp tác của các ngân hàng cả trong nước và ngoài nước trong thời gian dài, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp không khó.
“Tín dụng không khó, khi doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng thì pháp lý chưa đầy đủ. Vì vậy cần tập trung vào vấn đề này”, vị này nói.
Cũng theo lãnh đạo Becamex IDC, nếu hoạt động đơn thuần là kinh doanh bất động sản sẽ rất khó khăn trong năm 2024. Vì vậy, lĩnh vực mà Becamex tập trung trong năm nay là phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người dân.
Đại diện doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng triển khai những chính sách mới, gói tín dụng mới để các doanh nghiệp nắm bắt vì hiện nay phát triển năng lượng tái tạo chưa có ưu đãi đặc biệt, khác biệt so với những quy định hiện tại.