Tín dụng đen, vay nặng lãi là vấn đề nhức nhối của công nhân lao động
Tình trạng sa vào 'tín dụng đen', bị 'lừa đảo qua mạng' đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự trong công nhân lao động. Điển hình trong số đó là hình thức cho vay online khiến nhiều công nhân rơi vào vòng xoáy nợ nần. Trước tình trạng này, Công đoàn cơ sở phải chủ động, nhạy bén phát hiện, xử lý kịp thời, không để xảy ra tình hình phức tạp.
Chiều 1/12, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu đã tiến hành thảo luận theo 10 trung tâm.
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đã điều hành phiên thảo luận về nhiều vấn đề có liên quan tới các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân.
Cán bộ Công đoàn bị “khủng bố” vì công nhân vay tín dụng đen
Thảo luận tại diễn đàn, ông Phan Văn Đuộc, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp Công đoàn, ngành Công an đã triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh ngăn chặn các hành vi mất an ninh trật tự liên quan tới công nhân. Tuy vậy, thực tiễn cũng phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp có tác động tiêu cực đến ổn định quan hệ lao động và đảm bảo an ninh trong công nhân.
Trong đó, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Điều này khiến nhiều lao động không được chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất... dẫn đến nguy cơ mất ổn định quan hệ lao động.
Đặc biệt, tình trạng công nhân sa vào “tín dụng đen”, bị “lừa đảo qua mạng” đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Điển hình trong số đó là hình thức cho vay online khiến nhiều công nhân lao động rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Trước tình trạng này, ông Đuộc cho rằng Công đoàn cơ sở phải chủ động, nhạy bén phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để xảy ra tình hình phức tạp. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động công đoàn; làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động; chủ động lắng nghe, giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong công nhân.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty Chang Shin Việt Nam (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai) cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc phát triển mạng xã hội quá nhanh khiến công nhân, người lao động dễ bị lôi kéo vào tín dụng đen, bẫy cờ bạc. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng từ sau khi đại dịch Covid-19.
Ông Tú cho hay, 1 tháng 2 lần, Tổng Giảm đốc Công ty ông thực hiện đối thoại với công nhân lao động. Qua lắng nghe tâm tư của công nhân đã nhận thấy tín dụng đen và cho vay nặng lãi là vấn đề nhức nhối ảnh hưởng tới người lao động. Tuy nhiên Công đoàn cơ sở rất khó kiểm soát việc đời tư cũng như việc đánh bạc của công nhân trên mạng.
Ông Tú cũng chia sẻ, bản thân ông từng bị xã hội đen “khủng bố” bởi công nhân vay nợ. Theo đó, mỗi ngày, ông nhận được rất nhiều cuộc gọi điện thoại đòi nợ bởi số điện thoại cá nhân của ông được công khai ở các phòng, bộ phận.
“Số lượng người lao động ở công ty tôi lớn, mỗi ngày tôi nhận rất nhiều cuộc gọi do công nhân mắc vào nợ nần. Tình trạng xấu đi khi công nhân trốn nợ dẫn đến công ty mất người lao động, Công đoàn mất đoàn viên. Đây là vấn đề rất nhức nhối, do đó cần phải xem xét biện pháp hỗ trợ công nhân lao động. Tôi hy vọng rằng lực lượng Công an quan tâm nhiều hơn để hạn chế được tình trạng công nhân, lao động bị lừa, dính bẫy cờ bạc, tín dụng đen", ông Tú nói.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Changshin cho hay, từ đầu năm tình trạng này đã giảm, ông thấy vui mừng vì điều này. Đồng thời ông cũng kỳ vọng thời gian tới đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở được quan tâm để góp sức ổn định mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp; người lao động được giảm giờ làm để thêm thời gian tái tạo sức lao động.
Xây dựng Công đoàn Việt Nam hấp dẫn để đoàn viên tự tìm đến
Cũng phát biểu tại thảo luận, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen (LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, năm qua, công ty đã giảm hơn 9.000 công nhân, hỗ trợ gần 120 tỷ đồng, giảm hoàn toàn vì không có đơn hàng. Số người lớn hơn 40 tuổi chỉ có khoảng 40% số người nghỉ việc. Có người nghỉ việc nhận 400 triệu đồng tiền trợ cấp.
Ông Nghiệp cho biết: Trước khi cắt giảm lao động, công ty đã có nhiều lần trao đổi, gặp gỡ nhân viên, công nhân. Để làm được điều đó có sự đóng góp rất lớn của tổ chức Công đoàn, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.
Ông Nghiệp khẳng định, để ổn định được doanh nghiệp, vai trò của tổ chức Công đoàn là rất quan trọng và yếu tố con người phải được chú trọng.
“Hãy xây dựng Công đoàn Việt Nam hấp dẫn hơn để đoàn viên tự tìm đến với mình, trong đó đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở là rất quan trọng bởi họ chính là những người đầu tiên nắm bắt tâm tư, tình cảm của người lao động. Làm sao để người lao động nhìn thấy Công đoàn là thích, là yên tâm”, ông Nghiệp nói.
Bày tỏ sự tâm đắc với khâu đột phá Đại hội đề ra có xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng nhiệm vụ, nhất là tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước, ông Nghiệp cho rằng trước hết phải tạo cơ hội để cán bộ Công đoàn được học tập, có bản lĩnh và đủ kiến thức để làm tốt việc chăm lo; tiến đến ổn định, xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp. Đồng thời Công đoàn cấp trên cũng cần hướng dẫn, tập huấn để Công đoàn cơ sở áp dụng Luật thực hiện dân chủ cơ sở có hiệu quả.
Phát biểu thảo luận, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ Lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội đã nhận định Báo cáo chính trị của Đại hội có bước tiến lớn với 3 khâu đột phá rất “đúng và trúng” với thực tiễn, đó là: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng nhiệm vụ, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Trong đó, ông Dưỡng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy quyền lợi cốt lõi nhất của người lao động được đề cao. Tuy nhiên ông Dưỡng cho rằng, từ chủ trương đến thực hiện khâu đột phá phải lưu ý bởi quá trình thương lượng, đối thoại của Công đoàn Việt Nam khác với các nước khác; cách tiếp cận vào thực tiễn cần phải phù hợp với thể chế, đặc thù hoạt động của từng đơn vị.
Bên cạnh đó, ông Dưỡng cũng chia sẻ, khâu đột phá về cán bộ Công đoàn, xác định họ là nhân vật trung tâm, quyết định hoạt động công đoàn ở doanh nghiệp thì nhiệm kỳ tới phải quan tâm đến đời sống của Chủ tịch, cán bộ Công đoàn. Đồng thời nên có chế độ trợ cấp, cách thức chi trả trợ cấp phù hợp, tạo động lực và thể hiện sự ghi nhận của tổ chức đối với cán bộ Công đoàn.