Tín dụng gắn kết chuỗi cung ứng hàng hóa
Bản thân các NHTM hiện nay cũng đã chú trọng nhiều đến các sản phẩm tín dụng tài trợ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để đảm bảo quản trị tốt nguồn vốn và dòng tiền các ngân hàng luôn cần các DN xuất nhập khẩu có sự kết nối, xác nhận từ bên mua hàng, đồng thời đảm bảo các tiêu chí minh bạch về thông tin sức khỏe tài chính.
Nhiều cơ hội kết nối
Hội nghị APEC lần thứ 4 về Tài chính chuỗi cung ứng với chủ đề “Làm thế nào để phát triển thị trường tài chính chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi” đã được Cơ quan Phát triển Thụy Sỹ (SECO), Công ty Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với NHNN Việt Nam và Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tổ chức hôm đầu tuần tại TP.HCM.
Theo IFC, mặc dù hiện số lượng đăng ký giao dịch đảm bảo bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số các đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của công nghệ tài chính, sự cải tiến mạnh mẽ về dịch vụ ngân hàng số ở các TCTD và sự chủ động tiếp cận các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu của các DN các khối ngành xuất khẩu, hoạt động tài trợ vốn đối với các chuỗi cung ứng hàng hóa tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội bứt phá.
Dẫn chứng cho vấn đề này, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch CTCP Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho biết, nhiều năm qua DN đã hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia của Ý và Nhật Bản để phát triển các chuỗi hàng hóa khép kín trong lĩnh vực lúa gạo và rau quả. Tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, Vinaseed tập trung vào cả 3 mảng chính là cung cấp dịch vụ đầu tư, thu mua – bao tiêu sản phẩm và lưu thông xuất khẩu hàng hóa.
Hiện DN đã liên kết với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản để sử dụng nền tảng công nghệ kết nối các hợp tác xã trong chuỗi sản xuất khép kín. Các tập đoàn lớn của Ý hỗ trợ Vinaseed các giải pháp sản xuất nông nghiệp thông minh. Trong khi đó các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank cung cấp các giải pháp tài trợ tín dụng sau giao hàng cho DN và cho các hợp tác xã vay vốn đầu tư trang trại, vườn ươm.
Trong khi đó, ở khối ngành công nghiệp phụ trợ, ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Tổng giám đốc Công ty Tiến Thịnh (TP.HCM) cũng cho hay, 10 năm qua DN đã tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa của các DN FDI ngành điện tại Việt Nam. Khi tham gia vào các chuỗi cung ứng, nhu cầu vốn lưu động của DN rất lớn, công ty luôn phải đối mặt với những áp lực thanh toán trước giao hàng. Tuy nhiên, hiện nay một số NHTM đã chú trọng đầu tư hệ thống tài trợ chuỗi cung ứng, áp dụng bộ sản phẩm Finshare cho phép tài trợ hóa đơn, đơn hàng, các khoản phải trả từ cả bên mua và bên bán, nên cũng hỗ trợ được nhiều cho DN trong việc cân đối vòng quay của dòng tiền kinh doanh.
Từ góc độ tiềm năng, bà Vũ Thị Thu Hoàn - Trưởng bộ phận thanh toán quốc tế của Citibank tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay hoạt động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN nội địa sẽ ngày càng sôi động. Với lợi thế vị trí địa lý gần với Trung Quốc, nằm trong trung tâm vận chuyển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dân số trẻ, chính trị ổn định và ngày càng nhiều các hợp tác thương mại song phương, đa phương được ký kết, theo bà Hoàn trong những năm tới các lĩnh vực hàng tiêu dùng, dệt may, nông sản… sẽ xuất hiện nhiều DN chủ động kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sự chủ động tham gia, làm thành viên của Hiệp hội Bao thanh toán toàn cầu của các công ty fintech sẽ khiến hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng được đẩy mạnh và có sự cạnh tranh với các NHTM. Từ đó, các sản phẩm bao thanh toán, tài trợ tín dụng sau giao hàng sẽ đa dạng và hiệu quả hơn.
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Ông Trần Hoài Phương - Phó Giám đốc khối khách hàng DN của HDBank cho rằng, bản thân các NHTM hiện nay cũng đã chú trọng nhiều đến các sản phẩm tín dụng tài trợ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để đảm bảo quản trị tốt nguồn vốn và dòng tiền các ngân hàng luôn cần các DN xuất nhập khẩu có sự kết nối, xác nhận từ bên mua hàng, đồng thời đảm bảo các tiêu chí minh bạch về thông tin sức khỏe tài chính. Vì vậy, khi tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, các DN nội địa cũng cần chú trọng đến việc kết nối với các ứng dụng công nghệ tài chính giúp xác thực công nợ thanh toán của người mua. Ngoài ra, bản thân DN cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về hóa đơn để tránh những rủi ro trong thanh toán thương mại.
Ông Christopher Wohlert, Giám đốc Tài trợ thương mại của Tổ chức Wells Fargo cũng cho rằng, để phát triển hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng, có 3 khía cạnh mà các TCTD và cộng đồng DN xuất nhập khẩu tại Việt Nam cần nhìn nhận, bắt tay và hợp tác hoàn thiện là: tính minh bạch, tính hiệu quả và khả năng thực thi. Theo đó, ở góc độ minh bạch, các hạng mục về công bố thông tin, đăng ký, kiểm tra, cập nhật thông tin cần được thực hiện nhanh chóng và chính xác. Ở góc độ hiệu quả, quá trình đăng ký tham gia chuỗi cung ứng cần thực hiện rõ ràng, đơn giản, tiết kiệm chi phí cho các bên. Về khả năng thực thi thì các cải cách hành chính, cải cách pháp luật cần được đảm bảo sẽ được triển khai cụ thể hóa, những chính sách ưu tiên cần được áp dụng dễ dàng tại các đơn vị TCTD và DN cụ thể.
Ngoài ra, theo ông Jinchang Lai - Chuyên gia trưởng Khu vực Tài chính của IFC, để hỗ trợ tốt hơn cho các DN tham gia kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần chủ động thành lập một hiệp hội về tài trợ chuỗi cung ứng trong đó thành viên bao gồm cả các TCTD, các công ty fintech, các DN xuất nhập khẩu và các tập đoàn đa quốc gia. Khi có sự liên kết chặt chẽ, hậu thuẫn lẫn nhau thì hoạt động tài trợ tín dụng xuất khẩu sẽ phát triển mạnh và hiệu quả hơn.
Bà Hà Thu Giang - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN bày tỏ quan điểm, việc kết nối, tài trợ vốn cho DN tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu luôn được ngành Ngân hàng quan tâm và khuyến khích hệ thống TCTD chủ động mở rộng thực hiện. Hiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam khá rõ ràng và cụ thể. Năm 2017 Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có các quy định về cách thức tăng khả năng tiếp cận vốn cho cộng đồng DN. Ngành Ngân hàng, ngoài việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan, NHNN cũng đã chỉ đạo hệ thống NHTM triển khai các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hiện nay do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của nhiều DN còn thiếu minh bạch, năng lực quản trị của các DNNVV còn khá hạn chế; cơ sở dữ liệu về khách hàng và sàn giao dịch điện tử ở các chuỗi cung ứng cũng chưa đầy đủ nên việc tài trợ chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-dung-gan-ket-chuoi-cung-ung-hang-hoa-94627.html