Tín dụng hồi phục, kết quả kinh doanh ngân hàng nhiều lạc quan
Báo cáo mới nhất từ một số ngân hàng thương mại cho thấy kết quả kinh doanh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, tín dụng đang trên đà phục hồi, lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng dương.
Dù vậy, giới phân tích cảnh báo ngành ngân hàng vẫn cần cẩn trọng trước những rủi ro và thách thức có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới.
Cầu tín dụng phục hồi
Nhìn lại những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đã có thời điểm ở mức âm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 3 tới nay, tín dụng đã dần phục hồi. Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt mức khoảng 6% so với đầu năm.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, diễn biến này hoàn toàn phù hợp và phản ánh tình hình thực tế của nền kinh tế. "Trong 2 tháng đầu năm 2024, cầu tín dụng thấp, khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế không cao dẫn đến tăng trưởng tín dụng âm. Song từ tháng 3 đến nay, nhất là thời điểm gần giữa năm, nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, dòng vốn chuyển động tích cực hơn, cầu đầu tư tăng kéo cầu tín dụng tăng theo", Phó Thống đốc phân tích.
Tại một số ngân hàng thương mại, dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 6 đã tăng trưởng ở mức 2 con số, thậm chí có ngân hàng còn tăng trưởng gấp 2-2,5 lần bình quân toàn ngành.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng cập nhật số liệu đến 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 6,7%, đến ngày 22/7 đạt 7% so với cuối năm 2023.
"VietinBank đã quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng quản trị rất chặt chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra", Chủ tịch VietinBank nhấn mạnh.
Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng diễn ra mới đây, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước, cho biết tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với mức tăng chung. Cụ thể, tín dụng trong ngành công nghiệp phụ trợ tăng 9,8%, còn trong lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%. Đối với bất động sản, tăng trưởng tín dụng đạt 4,61%, với tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29% và bất động sản tiêu dùng tăng 1,15%.
"Tính đến cuối tháng 6, gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm - thủy sản đã được giải ngân hoàn toàn, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) dẫn đầu với 16.738 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 6.000 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt 5.000 tỷ đồng", bà Giang cập nhật.
Thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận
Đến thời điểm này, bức tranh lợi nhuận ngân hàng đã dần lộ diện với nhiều chuyển biến tích cực.
Tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 15.600 tỷ đồng, tiếp tục tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. ACB cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế trong 6 tháng đầu năm đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Riêng trong quý II/2024, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào việc mở rộng quy mô hoạt động, cải thiện nguồn thu từ phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ.
Trong khi đó, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng đến 142% so với cùng kỳ, đạt 5.919 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ tính riêng lợi nhuận quý II/2024 với hơn 3.033 tỷ đồng, LPBank ghi nhận mức tăng gấp gần 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lợi nhuận sau thuế trung bình của các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước, với thu nhập lãi tăng 19%.
Báo cáo nhấn mạnh rằng năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng dự kiến sẽ có sự cải thiện đáng kể về tăng trưởng lợi nhuận.
Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), VIB được dự báo sẽ giảm lợi nhuận từ 28-25% do giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng, giúp tăng trưởng tín dụng đạt 3% so với đầu năm vào quý II/2024. Tuy nhiên, điều này cũng làm giảm NIM và tăng chi phí tín dụng, ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt khoảng 2,1 - 2,2 nghìn tỷ đồng.
OCB cũng được dự báo sẽ giảm lợi nhuận từ 4-5%. Tăng trưởng tín dụng của OCB dự kiến đạt 7-8% so với đầu năm, nhưng chi phí dự phòng tăng có thể làm lợi nhuận trước thuế giảm xuống khoảng 1,35 đến 1,5 nghìn tỷ đồng trong quý II/2024.
Dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024 của một số ngân hàng, VDSC ước tính Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dự kiến sẽ tăng 57,6% trong năm 2024, đạt 15.845 tỷ đồng, nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 19% và chi phí dự phòng giảm 15%.
VietinBank cũng được dự báo sẽ có lợi nhuận sau thuế đạt 25.959 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ, nhờ sự hồi phục của nhu cầu tín dụng và mở rộng các nguồn thu nhập ngoài lãi. Tổng thu nhập hoạt động của VietinBank dự kiến tăng 18,2% trong năm 2024.
Còn với Techcombank, VDSC kỳ vọng có thu nhập lãi thuần tăng 24% nhờ chi phí vốn giảm và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong hệ sinh thái doanh nghiệp lớn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của ngân hàng dự kiến đạt 22.094 tỷ đồng, tăng 22,7%.
HDBank được dự báo sẽ duy trì thu nhập lãi thuần ở mức cao 28,7% vào năm 2024, với tăng trưởng tín dụng 24,3% và biên lợi nhuận lãi suất (NIM) khoảng 4,83%. HDBank cũng là một trong bốn ngân hàng được chỉ định tiếp quản các tổ chức tín dụng yếu kém.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, mặc dù những tín hiệu tích cực trong kinh tế 6 tháng đầu năm đã tạo nền tảng cho sự phát triển, nhưng vẫn cần cảnh giác với các rủi ro và thách thức từ bên ngoài.
Do đó, trong thời gian 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp một cách minh bạch, thực chất. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp và tiếp cận tín dụng ngân hàng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...