Tín dụng ngân hàng lấy lại sức bật

Tín dụng tăng trưởng ỳ ạch trong quý I nhưng đang dần khởi sắc trong vài tháng trở lại đây, nhiều khả năng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14 – 15% mà ngành ngân hàng đặt ra vẫn sẽ 'cán đích'.

Tín dụng đã lấy lại sức bật

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, tính đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng ngân hàng này chỉ đạt khoảng 1,6%, thấp hơn so với toàn ngành. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình, cho đến tháng 4, 5, tình hình đã tốt lên nhiều.

Theo lãnh đạo Vietcombank, tín dụng giải ngân nửa cuối 2023 và các tháng đầu năm 2024 giảm do tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm do không có dự án, tâm lý người dân còn cẩn trọng trong đầu tư mua sắm. Đến tháng 4, tháng 5, thị trường bất động sản ấm lên, tín dụng giải ngân theo đó cũng ấm lên.

Tương tự, đối với sản xuất kinh doanh, trong suốt cuối năm ngoái và đầu năm nay các doanh nghiệp không mở rộng nhưng hai tháng trở lại đây đã khả quan hơn, nhiều khách hàng đã đến ngân hàng đặt vấn đề khởi tạo lại các dự án tạm dừng trước đó do khó khăn, hoặc quyết định đầu tư mới. Đây là những tín hiệu rất tốt tạo tăng trưởng cho ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm 2024, để đạt mục tiêu mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề ra.

“Với việc tập trung sản xuất kinh doanh, tập trung vào những dự án trọng điểm quốc gia (Sân bay Long Thành, các dự án cảng biển, hạ tầng giao thông...), Vietcombank không vội vàng tăng trưởng tín dụng mà không kiểm soát chất lượng, theo đúng định hướng của ngân hàng. Ngân hàng sẽ lựa chọn những dự án khó nhưng là động lực hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội thời gian tới.

Với định hướng như vậy, nếu tiến độ giải ngân tốt, tín dụng Vietcombank cuối năm sẽ đạt được con số tăng trưởng đến 15%. Ngân hàng đã có lộ trình cụ thể để tăng trưởng đúng định hướng, kể cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay” – ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Tăng trưởng tín dụng đang dần ấm lên

Tăng trưởng tín dụng đang dần ấm lên

Theo số liệu công bố, tín dụng 5 tháng đầu năm toàn ngành mới chỉ tăng trưởng 2,41% so với đầu năm, còn cách xa mục tiêu cả năm là 14-15%. Đánh giá về con số này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, dù tăng trưởng so với đầu năm còn khiêm tốn, song so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 5/2023) thì đã tăng tới 12,3%, là con số không hề thấp, thậm chí cao nhất khu vực.

“Ngoài ra, tín dụng cũng đang phục hồi rõ rệt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tính 2 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 0,02%, thì hiện đã tăng 2,41%, dự báo đến cuối tháng 6/2024 tăng 4-4,5%. Nhiều khả năng, tín dụng cả năm sẽ tăng 13-14%. Đây là mức tăng phù hợp” – ông Lực đánh giá.

Lãi suất cho vay sẽ không tăng

Dù nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp khởi sắc, song, theo đa phần các nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ không tăng.

TS Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam đã tăng tương đối nhanh thời gian gần đây. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng từ mức 0,2%/năm hồi đầu năm, lên tới 5% hiện nay, thu hẹp khoảng cách với lãi suất USD (5,25 - 5,5%). Điều này đã làm áp lực tỷ giá của Việt Nam giảm bớt.

Lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường dân cư) vài tháng gần đây cũng nhích lên. Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn, đã có một lượng tiền gửi nhất định bị dịch chuyển, song không nhiều.

“Theo quan sát của chúng tôi, tiền gửi của cá nhân vào hệ thống ngân hàng vẫn rất tích cực. Riêng tiền gửi doanh nghiệp giảm nhẹ, có thể do doanh nghiệp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Đây là điều tích cực” – vị chuyên gia nhận định.

Theo ông, thời gian tới, lãi suất tiền gửi trên thị trường sẽ đi ngang hoặc có thể tăng nhẹ ở một số thời điểm khi cầu vốn tăng cao. Tuy nhiên, ngành ngân hàng sẽ cố gắng ổn định lãi suất cho vay, do đó, biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng nhiều khả năng thu hẹp.

“Tinh thần của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước là ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất thông qua giảm chi phí, ứng dụng số hóa… Nhưng rõ ràng, NIM ngân hàng sẽ giảm. Năm ngoái, NIM ngân hàng đã giảm từ 3,6% xuống 3,2% và năm nay có thể sẽ chỉ khoảng 3%” – ông nói.

Còn theo quan sát của các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xu hướng tăng lãi suất huy động thời gian qua có phần còn hạn chế, và chưa mở rộng sang các nhóm ngân hàng khác. Đồng thời, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của toàn hệ thống vẫn đang thấp hơn 20-46 điểm cơ bản so với đầu năm.

VDSC dự báo lãi suất huy động trên thị trường có thể tăng nhưng mức tăng sẽ hạn chế. Kịch bản thuận lợi nhất là trở lại mặt bằng vào cuối năm 2023, như vậy sẽ không quá ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất cho vay.

Trong văn bản mới đây gửi các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay. Qua đó, để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tin-dung-ngan-hang-lay-lai-suc-bat-post579351.antd