Tín dụng phục hồi sau thời gian dài trầm lắng

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng 6, tín dụng trong tháng 7 có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, tín hiệu phục hồi đã xuất hiện trở lại vào tháng 8/2024...

Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 16/8, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023, trong khi trước đó đến hết tháng 7, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%.

TÍN DỤNG PHỤC HỒI VÀ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Các chuyên gia kinh tế nhận định, với nhiều tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), nhận xét rằng nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng trong quý 2/2024, tạo đà cho sự lạc quan trên thị trường. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp và cá nhân khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Đức Độ cũng dự báo rằng tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới sẽ tiệm cận với các mục tiêu đề ra, đặc biệt nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục cải thiện. Ông cho rằng áp lực tỷ giá giảm và khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành sẽ duy trì lãi suất ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, thời gian tới, hệ thống ngân hàng nỗ lực cung ứng nguồn vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước, cho biết tín dụng hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn. Các lĩnh vực này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức trung bình chung, cho thấy sự phục hồi rõ rệt của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực lưu ý rằng sự chậm lại của tín dụng trong tháng 7 vừa qua có phần do yếu tố thời vụ, liên quan đến tâm lý của người dân trong “tháng Ngâu,” dẫn đến hạn chế giải ngân. Ông cũng nhấn mạnh rằng xu hướng này vẫn phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tín dụng sẽ dần phục hồi trong những tháng tới.

Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) trong báo cáo mới đây cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm đã đạt được mục tiêu nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tăng trưởng GDP trong quý 2/2024, đạt 6,93%. Kết quả này chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của ngành du lịch và lĩnh vực sản xuất, cùng với sự hỗ trợ từ FDI và hoạt động xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp này dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 14,83% nhờ vào tín hiệu tích cực từ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm, cùng với tác động tích cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng giảm lãi suất.

KIỂM SOÁT RỦI RO TỪ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Dù có nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó có sự phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Báo cáo của VPBankS cho thấy dư nợ cho vay bất động sản vào cuối quý II/2024 đã đạt 3,083 triệu tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Điều đó cho thấy ngành bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm ưu thế trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, nhờ vào nhu cầu cao và tài sản thế chấp ổn định.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu giá trị tài sản giảm hoặc thị trường bất động sản gặp khó, nguy cơ gia tăng nợ xấu của các ngân hàng sẽ hiện hữu. Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm đáng kể trong năm qua nhưng nhìn chung giá nhà vẫn duy trì ở mức cao so với thu nhập. Đây là bài toán cần lời giải từ ngành ngân hàng về vấn đề kiểm soát nợ xấu và giám sát chặt chẽ hơn.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) cùng có hiệu lực từ ngày 1/8, có thể giúp tâm lý thị trường tích cực hơn. Do đó, muốn kích cầu tín dụng bất động sản, đặc biệt là cho vay mua nhà, lãi suất cho vay phải duy trì ở mức hợp lý.

Liên quan đến lãi suất, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết lãi suất huy động tăng một phần là do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng một số loại lãi suất điều hành, nhằm đối phó với áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, ông kỳ vọng lãi suất sẽ ổn định ở mức hiện nay từ nay đến cuối năm, và vì thế không tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng cho vay mua nhà có thể dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới, khi lãi suất ở mức thấp và thị trường bất động sản dần hồi phục. Doanh nghiệp này dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 sẽ đạt từ 12-13%, với động lực tăng trưởng đến từ hoạt động sản xuất xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và sự hồi phục rõ nét hơn của thị trường bất động sản từ quý II/2024.

Nhìn chung, tín dụng vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng sự phụ thuộc vào thị trường bất động sản cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh rủi ro và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Huỳnh Dũng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tin-dung-phuc-hoi-sau-thoi-gian-dai-tram-lang.htm