Tín dụng tăng thấp, vì đâu?

Bên cạnh khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm, nguyên nhân chủ quan còn đến từ các ngân hàng, nhất là sau sự việc tại SCB.

Phó thống đốc Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN chiều ngày 24/4

Phó thống đốc Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN chiều ngày 24/4

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm

Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Thông tin trên được Phó thống đốc Đào Minh Tú cập nhật tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN tổ chức chiều ngày 24/4.

So sánh với cùng kỳ năm trước, Phó thống đốc cho biết mức tăng trên chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước (6,46%), dù đây là thời điểm ngay sau khi kết thúc dịch và cũng thấp hơn trước dịch khi tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2019 đạt 3,64%. Con số trên cũng còn khiêm tốn so với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% (có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế). Một số ngân hàng, thậm chí thuộc nhóm lớn như Agribank, mới chỉ tăng hơn 1%. Hay có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.

Phân tích lý do dẫn đến tình trạng này, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong 4 tháng đầu năm, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát cao, một số ngân hàng trên thế giới như SVB tuyên bố phá sản. Vụ việc của SCB cũng ảnh hưởng đến hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn thu hẹp.

Cầu tín dụng giảm do ba động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu suy yếu, giải ngân đầu tư công chậm.

“Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, không tiêu thụ được hàng hóa dẫn đến nhiều doanh nghiệp tạm thời ngừng, thu hẹp quy mô kinh doanh, gây ra ảnh hưởng liên quan đến vấn đề xã hội như giảm công ăn việc làm, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Luân chuyển hàng hóa trên thế giới ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp”.

Ngoài ra, Phó thống đốc cũng chỉ ra yếu tố khác như thị trường bất động sản chững lại sau giai đoạn sôi động, chủ yếu do vướng mắc pháp lý của các dự án, tăng trưởng tín dụng bất động sản thấp hơn mức tăng trưởng chung. Tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn các năm trước và tác động đến tăng trưởng chung. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán lại chưa phát huy hiệu quả vai trò cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, dẫn tới áp lực cung ứng vốn vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Tại Hội nghị, lãnh đạo hàng loạt ngân hàng lớn cũng giải thích về mức tăng chậm của tín dụng trong 4 tháng đầu năm, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân từ khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Theo Phó tổng giám đốc Agribank, trừ Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. phần lớn các khu vực khác đều báo tăng trưởng tín dụng âm. Khả năng hấp thụ của nền kinh tế như việc các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn là nguyên nhân chính được chỉ ra, không phải do thiếu vốn hay chính sách từ phía ngân hàng. Tại BIDV, dù tăng trưởng tín dụng đạt 5,4%, nguyên nhân là do có sự chuyển dịch từ các tổ chức tín dụng khác không do nhu cầu tăng lên. Lãnh đạo BIDV cũng nhận định sức hấp thụ vốn giảm, đặc biệt ở các doanh nghiệp xuất khẩu, khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng… Lãi suất cho vay tại ngân hàng này đã giảm 0,5%-2% so với cuối năm.

Một lý do khác được ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng GĐ phụ trách Điều hành VietinBank chỉ ra đến từ nhu cầu đi vay của các cá nhân khi chưa biết rằng thu nhập tương lai như thế nào. Tăng trưởng tín dụng cá nhân theo ông đã sựng lại trong thời gian qua. Tương tự, theo lãnh đạo MB, các khách hàng doanh nghiệp khó khăn nên cũng thận trọng trong quyết định đầu tư kinh doanh.

Có nguyên nhân từ chủ quan ngân hàng

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế, đặc biệt là về khả năng hấp thụ vốn, tăng trưởng tín dụng thấp có cả nguyên nhân từ chủ quan ngân hàng. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, vụ việc người dân rút tiền hàng loạt tại SCB, các ngân hàng thương mại khác cũng “giật mình” và phải điều chỉnh lại để đảm bảo thanh khoản quản lý dòng tiền tốt hơn, đồng thời xem xét lại hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động cho chính ngân hàng và hệ thống. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã khiến các khoản cho vay có xu hướng chặt chẽ hơn, từ đó làm giảm tăng trưởng tín dụng. Việc thận trong cũng khiến các khoản cho vay cấp ra chậm hơn.

Chủ quan xuất phát từ diễn biến thị trường, dẫn đến các ngân hàng chặt chẽ hơn, lo giữ thanh khoản, siết lại khiến việc xét duyệt tín dụng chặt chẽ hơn, thủ tục tăng lên. Cũng theo Phó thống đốc, nhiều doanh nghiệp phản ánh đã bị giảm hạn mức tín dụng do giá trị tài sản đảm bảo giảm khi định giá lại tài sản. Hay có ngân hàng đã yêu cầu doanh nghiệp trả nợ trước hạn, bổ sung tài sản đảm bảo

Dù là do yếu tố khách quan thị trường đưa đến, việc ngân hàng thực hiện chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn nhưng gây khó cho doanh nghiệp. Ông Đào Minh Tú cho rằng các lãnh đạo ngân hàng cần tập trung vấn đề cho vay, coi công tác tín dụng là quan trọng. “Đẩy mạnh khối lượng nhưng vẫn cần quán xuyến chất lượng tín dụng”, phó thống đốc cũng liên tục nhấn mạnh.

Thêm chính sách từ NHNN “tiếp sức” thị trường bất động sản

Thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc NHNN triển khai Nghị quyết.

Ngày 24/4/2023 NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo TCTD:

Thứ nhất, tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao;

Thứ hai, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS;

Thứ ba, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn;

Thứ tư, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng và báo cáo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án BĐS trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án,..

NHNN có Văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi về chương trình 120.000 tỷ đồng để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 01/4/2023. Về phía Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/04/2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-dung-tang-thap-vi-dau-d188481.html