Tín dụng tăng tốc, ngân hàng đẩy mạnh bơm vốn vào nền kinh tế

Trong nửa đầu năm 2025, tín dụng toàn hệ thống đã bơm vào nền kinh tế trên 1,5 triệu tỉ đồng, tương ứng tăng gần 10% so với cuối năm ngoái và đây cũng là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ còn khoảng 1 triệu tỉ đồng được bơm thêm vào nền kinh tế, trong bối cảnh lãi suất thấp, nhu cầu vốn phục hồi và các gói tín dụng quy mô lớn đã sẵn sàng.

Tín dụng toàn hệ thống vượt mốc 17,2 triệu tỉ đồng

Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đang tăng tốc mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguồn vốn huy động tiếp tục dồi dào, lãi suất điều hành được duy trì ổn định nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Các ngân hàng thương mại cũng triển khai hàng loạt gói tín dụng quy mô lớn, tạo lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm.

 Tăng trưởng tín dụng cao nhất nhiều năm qua đang mở ra kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: T.L

Tăng trưởng tín dụng cao nhất nhiều năm qua đang mở ra kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: T.L

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN, cho biết tính đến ngày 30-6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã đạt hơn 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng tới 19,32% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Đáng chú ý, chỉ trong tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 3,38% so với cuối tháng 5, thời điểm tín dụng mới tăng 6,52%.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đang phân bổ phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn và những ngành có tác động lan tỏa đến tăng trưởng. Một số lĩnh vực trọng điểm như tiêu dùng, công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu… tiếp tục ghi nhận mức tăng khả quan.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Đồng thời, cơ quan quản lý tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng bơm mạnh vốn vào nền kinh tế

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết đến cuối tháng 6, nguồn vốn huy động của ngân hàng đạt trên 2,1 triệu tỉ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2021, trong đó tiền gửi dân cư tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn. Dư nợ tín dụng nền kinh tế của Agribank đạt hơn 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 1,13 triệu tỉ đồng, chiếm tới 61% tổng dư nợ.

Được biết, Agribank đã chủ động triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi ngay từ đầu năm với quy mô 400.000 tỉ đồng, qua đó mở rộng thêm 20.000 tỉ đồng dành riêng cho nông, lâm, thủy sản. Ngân hàng cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, giảm lãi suất cho vay và đẩy mạnh tín dụng đối với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu và chuỗi liên kết nông sản.

Tương tự, VietinBank cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong nửa đầu năm nay, với mức tăng khoảng 10% so với cuối năm ngoái. Nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9%.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Tổng Giám đốc VietinBank, cho biết ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên mọi mặt hoạt động, từ phân khúc khách hàng, mô hình kinh doanh đến sản phẩm dịch vụ và dữ liệu công nghệ, ứng dụng AI.

Tại BIDV, tín dụng tính đến hết tháng 6 tăng trưởng khoảng 6 – 7% so với đầu năm nay, chủ yếu nhờ tín dụng bán lẻ tăng mạnh hơn tín dụng doanh nghiệp. Nhờ đó, biên lãi ròng (NIM) của BIDV cải thiện nhẹ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 8.000 tỉ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, chia sẻ tổng dư nợ tín dụng tại ngân hàng hiện đã tăng hơn 5% so với cuối năm 2024. Tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1%, trong khi tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt gần 219% – mức cao nhất hệ thống.

Dư địa tín dụng 6 tháng cuối năm còn lớn

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2025 ở mức 16%, các ngân hàng thương mại sẽ cần bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỉ đồng vào nền kinh tế. Tính đến hết tháng 6, tín dụng đã tăng gần 10%, tức còn khoảng 1 triệu tỉ đồng dư địa sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm.

Điều này mở ra kỳ vọng về khả năng tăng trưởng tín dụng tích cực hơn trong quý III và quý IV. Nhu cầu vốn từ doanh nghiệp và người dân đang dần phục hồi khi lãi suất cho vay giảm, các gói tín dụng ưu đãi được triển khai sớm, quy mô lớn. Giới phân tích cũng nhận định triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay sẽ vẫn tích cực, nhờ vào động lực từ tín dụng, thu nhập dịch vụ và chuyển đổi số.

Trong bối cảnh điều hành linh hoạt và chủ động, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành nhất quán với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đi kèm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành một cách đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Đồng thời, sẽ kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng của ngân hàng, kiểm soát rủi ro về nợ xấu.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tin-dung-tang-toc-ngan-hang-day-manh-bom-von-vao-nen-kinh-te-post859459.html