Tín dụng tiêu dùng khó bứt phá cuối năm

Dư địa lớn nhưng cho vay tiêu dùng vẫn bị nhận định khó bứt phá trong các tháng cuối năm. Nguyên nhân dẫn đến nhu cầu tín dụng tiêu dùng giảm được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là do khách hàng cá nhân 'thắt lưng, buộc bụng'.

Cho vay tiêu dùng ảm đạm

Anh Nguyễn Nam ở Bạch Mai (Hai Bà Trưng) thường có thói quen ra cửa hàng Thế giới di động mua trả góp và được bên thứ ba tài trợ vốn vay là các công ty tài chính liên kết như Home Credit, FE Credit, HD SAISON… nhưng năm nay, anh không dám mua trả góp. Bởi lẽ, thu nhập của anh giảm gần một nửa so với năm ngoái.

Người dân hạn chế vay tiêu dùng do thu nhập giảm. Ảnh minh họa

Người dân hạn chế vay tiêu dùng do thu nhập giảm. Ảnh minh họa

Chị Diệu Hiền ở Xã Đàn (Đống Đa) cho hay, hoạt động kinh doanh của công ty nơi chị làm việc kinh doanh thua lỗ, công ty cắt giảm lương nhân viên, vì thế chị hạn chế tối đa vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng của các công ty tài chính để mua hàng trả góp.

Không riêng anh Nam, chị Hiền, cho vay tiêu dùng ngày càng khó khăn trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đi xuống, khiến thu nhập của công nhân, người lao động bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của PwC Việt Nam, 62% người tiêu dùng cho biết, họ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu không cần thiết, mạnh nhất là nhóm hàng hóa xa xỉ, du lịch và thiết bị điện tử.

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, thu nhập bình quân tháng của người làm công ăn lương trong quý II/2023 chỉ đạt 7 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với mức 7,9 triệu đồng của quý I/2023. Tín dụng phục vụ đời sống đến hết tháng 6/2023, chỉ tăng 2,99% so với cuối năm 2022 (cùng kì năm 2022 tăng 11,56% so với cuối năm), tín dụng cho tiêu dùng bất động sản giảm 1,12%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 17,63%... đã phần nào phản ánh sự khó khăn trong tình hình tài chính của cá nhân và hộ gia đình.

Đua giảm lãi cho vay cá nhân

Để thu hút khách hàng vay tiêu dùng, các ngân hàng, công ty tài chính triển khai nhiều gói tín dụng có quy mô, lãi suất hợp lý, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt.

VPBank vừa ra mắt gói vay ưu đãi có tổng quy mô 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, vay mua nhà, vay tiêu dùng với lãi suất từ 5%/năm. Cố định trong 6 tháng đầu dành cho khách hàng cá nhân là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình kinh doanh.

Gói vay mua nhà của ngân hàng Shinhan, ngoài đặc quyền ưu đãi lãi suất, khách hàng còn được hỗ trợ vay lên đến 70% giá trị tài sản bảo đảm và thời hạn vay đến 30 năm; Sacombank cũng có gói cho vay mua xe lãi suất 8,5%/năm và vay đến 100% giá trị xe, thời gian vay kéo dài đến 10 năm…; PVcomBank triển khai gói tín dụng ưu đãi 13.500 tỷ đồng, lãi suất giảm tới 4% so với lãi thông thường, tập trung cho cá nhân vay mua nhà để ở, trong đó ưu tiên cho vay tại những dự án chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank còn triển khai chương trình cho khách hàng cá nhân vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất thấp. Sau khi BIDV đưa ra mức lãi suất cho vay 6%/năm ở chương trình này thì mới đây, Vietinbank đưa ra mức lãi thấp hơn, chỉ còn 5,6%/năm dành cho cá nhân vay vốn trả nợ vay ngân hàng khác.

Hầu hết các ngân hàng thương mại mở rộng cho vay tiêu dùng, trong đó khách hàng vay thấu chi tối đa được 500 triệu đồng và vay dưới 100 triệu đồng ngân hàng không cần làm thủ tục thế chấp tài sản. Dù vậy, khả năng mở rộng tín dụng vẫn khó bởi vì nhu cầu tiêu dùng đang giảm đi. Bên cạnh đó, rủi ro khách hàng nợ xấu lên cao, ảnh hưởng tới khả năng mở rộng danh mục cho vay.

Ban lãnh đạo VPBank nhận định, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn đối với FE Credit, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Ngân hàng kỳ vọng, hoạt động của FE Credit dần ổn định và có lãi vào quý IV/2023. Tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung chậm lại, nhưng được tập trung vào khách hàng ít rủi ro hơn.

TS.Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: “Nhìn chung thị trường tài chính tiêu dùng cuối năm sẽ khó bứt phá, cho dù lãi suất cho vay đang trong xu hướng giảm”.

Việc xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng được kỳ vọng là một trong những giải pháp để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo cơ hội việc làm cho lao động trong điều kiện khó khăn hiện nay. Dù vậy, thị trường cho vay tiêu dùng có phục hồi sớm hay không phụ thuộc vào đơn hàng trở lại với doanh nghiệp, người công nhân trở lại nhà máy. Hàng hóa lưu thông tốt hơn và ai cũng có công ăn việc làm. Đây chính là yếu tố đầu tiên giúp tài chính tiêu dùng sôi động trở lại.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-dung-tieu-dung-kho-but-pha-cuoi-nam.html