Tín dụng ưu đãi tiếp tục mở rộng sau sáp nhập địa giới hành chính

Sau khi hoàn thành việc hợp nhất địa giới hành chính, các chính sách ưu đãi tín dụng ngân hàng sẽ tạo ra sự liên thông trong hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời tạo cơ hội cho các ngân hàng mở rộng các gói vay và các chương trình ưu đãi tiếp cận vốn.

Nhiều điểm sáng tín dụng

Theo các doanh nghiệp tại Bình Dương, sau khi TP. Hồ Chí Minh hợp nhất đơn vị hành chính của tỉnh, khả năng mở rộng các chương trình cho vay ưu đãi các ngành nghề sẽ có nhiều thuận lợi. Ông Lê Văn Hưng - Giám đốc một công ty sản xuất nhựa ở Thuận An chia sẻ, từ trước đến nay, với vị trí địa lý liền kề, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên… đều có đối tác thương mại hoặc có giao dịch vay vốn, thế chấp tài sản ở các ngân hàng thuộc khu vực TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, khi hợp nhất địa giới hành chính thì các hồ sơ, thủ tục pháp lý sẽ được đồng bộ, rút gọn và tiện lợi hơn cho cả phía ngân hàng và doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp tại khu vực khu công nghiệp Sóng Thần và khu công nghiệp VSIP (Dĩ An) cho biết thêm, hiện nay các chương trình tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư tiết kiệm năng lượng đang được nhiều ngân hàng lớn như BIDV và Agribank thúc đẩy mạnh với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Theo đại diện Vietcombank chi nhánh Bình Dương, trong năm nay ngân hàng sẽ dành hơn 20.000 tỷ đồng tập trung cho vay khách hàng bán buôn, doanh nghiệp FDI và DNNVV các ngành nghề. Một số ngân hàng khác như VietABank, HDBank hiện cũng tập trung giải ngân các gói tín dụng đồng hành với doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và thúc đẩy tài trợ vốn cho các dự án nhà ở thương mại phân khúc thấp.

Các ngân hàng như BacABank, SHB (Bà Rịa - Vũng Tàu) ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh đối với các gói tín dụng “Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”; “Tiếp sức vốn vay - Đường dài vững bước” được thiết kế “may đo” theo nhu cầu của từng ngành nghề, phân khúc của khách hàng DNNVV và hộ kinh doanh.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các chương trình tín dụng kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; tín dụng cho vay khu chế xuất - khu công nghiệp, cho vay doanh nghiệp xuất khẩu, cho vay gói tín dụng nông, lâm, thủy sản (gói 100.000 tỷ đồng)… đều đang có tốc độ tăng trưởng nhanh với dư nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh Khu vực 2, sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến cuối tháng 6/2025 đạt 4,74 triệu tỷ đồng. Riêng tỉnh Đồng Nai sau sáp nhập đơn vị hành chính mới cũng có dư nợ tín dụng quy mô lớn đạt 577,5 nghìn tỷ đồng. Vì thế, việc sáp nhập địa giới hành chính được đánh giá là cơ hội thuận lợi để các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động kinh doanh với môi trường đầu tư lớn hơn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2 cho biết, hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ. Trong đó, khu vực này có sự đa dạng về hình thức hoạt động, với đầy đủ các định chế tài chính: ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính, Quỹ tín dụng nhân dân…TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai vốn có những đặc điểm kinh tế vùng và khả năng liên kết vùng, với không gian kinh tế mở rộng, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như khu công nghiệp - khu chế xuất, du lịch, dịch vụ thương mại; Đặc biệt có các dự án kinh tế lớn như cảng biển, sân bay và hạ tầng giao thông, logistics, trung tâm dịch vụ lớn, trung tâm tài chính quốc tế… là cơ sở để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng trong thời gian tới.

Khách hàng giao dịch tại BIDV khu vực KCN Sóng Thần

Khách hàng giao dịch tại BIDV khu vực KCN Sóng Thần

Doanh nghiệp chờ cộng hưởng ưu đãi

Theo Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC), sau khi thành phố hợp nhất với các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, các doanh nghiệp đang thụ hưởng các chính sách ưu đãi theo cơ chế đặc thù của thành phố, nhất là lãi suất cho vay theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 09/2023/NQ - HĐND của TP. Hồ Chí Minh có được “cộng hưởng” ưu đãi từ hai tỉnh trước khi sáp nhập hay không. Một số doanh nghiệp khác tại địa bàn các phường thuộc Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) cũng bày tỏ mong muốn được hưởng những chính sách ưu đãi vay vốn kích cầu đầu tư từ HFIC do TP. Hồ Chí Minh dùng ngân sách của thành phố trích ra hỗ trợ.

Bà Trịnh Thị Hồng Châu - Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung cho biết, tại Bình Dương trước đây, ngành cơ điện - cơ khí được địa phương tạo điều kiện khá tốt trong việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường, di dời đến các khu sản xuất tập trung, với nhiều ưu đãi về thuế thu nhập, tiền thuê đất. Vì thế các doanh nghiệp kỳ vọng chính sách này sẽ tiếp tục duy trì sau khi Bình Dương trở thành một phần của TP. Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cơ khí Nhật Long cho biết, hiện doanh nghiệp này đang vay hơn 12 tỷ đồng với cơ chế ưu đãi lãi suất trong vòng 7 năm qua HFIC. Khoản vay này giúp doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ Nhật Bản nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu nhân lực và mở rộng thị trường. Vì thế, doanh nghiệp mong các chính sách ưu đãi lãi suất do TP. Hồ Chí Minh sử dụng ngân sách bù lãi suất trong những năm qua vẫn được áp dụng sau khi địa giới hành chính mở rộng để họ yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Từ góc độ quản lý nhà nước, đại diện HFIC cho rằng, các chính sách ưu đãi lãi suất vay vốn hiện đơn vị này đang thực hiện tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh (địa giới hành chính cũ) sẽ không có xáo trộn. Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ tạo cơ hội để TP. Hồ Chí Minh thiết kế lại các chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, thuế trên cơ sở rà soát ngân sách và khả năng trích lập nguồn tài chính của thành phố cũng như phân cấp nhiệm vụ chi giữa các vực hành chính mới. Tuy nhiên, HFIC cho rằng, việc “cộng hưởng” các chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng sẽ được tiến hành theo lộ trình dài hạn và tính toán phù hợp để không làm đứt đoạn hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ kinh tế.

Đỗ Cường

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-uu-dai-tiep-tuc-mo-rong-sau-sap-nhap-dia-gioi-hanh-chinh-167644.html