Tín dụng xanh: Chủ trương tốt nhưng thiếu hướng dẫn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với giá trị gần 637.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. HCM phân tích, dù con số khiêm tốn nhưng nếu so với con số dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng giai đoạn 2015 khi mới triển khai, mức tăng trưởng hằng năm là rất lớn và cao hơn nhiều lần so với tăng trưởng tín dụng chung của ngành kinh tế.

Thống kê trong tổng dư nợ 637.000 tỷ đồng của tín dụng xanh, tín dụng trung - dài hạn chiếm khoảng 77% và tập trung vào nông nghiệp xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nước sạch cho đô thị, nông thôn…

Theo TS Trần Du Lịch, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đề ra một loạt quy định về những lĩnh vực có thể cấp tín dụng xanh, như ngành sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, dự án liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, nhà ở môi trường, phục vụ hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học…

Cũng theo TS Trần Du Lịch, TP. HCM có thể nghiên cứu triển khai ưu đãi lãi suất cho lĩnh vực xanh để tạo sức bật mạnh mẽ cho các doanh nghiệp; tận dụng được các nguồn tín dụng quốc tế thông qua cơ chế, chính sách. Cần hoàn thiện toàn bộ hệ thống pháp luật, chính sách, đồng bộ cho tín dụng xanh để dẫn dắt sự phát triển. Từ năm 2026 trở đi, nếu không xanh hóa nền kinh tế, chúng ta sẽ lỡ cơ hội phát triển nhanh, mạnh.

Đồng thời, các ngân hàng cũng cần đầu tư về nguồn nhân lực cho tín dụng xanh để thực thi, bởi lực lượng này còn có vai trò giám sát tín dụng xanh. Tránh trường hợp vay thì xanh nhưng dòng tiền lại chảy vào chỗ không xanh, nên cần giám sát để tạo thúc đẩy, công bằng.

Đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều nhận ra nhu cầu vay vốn tín dụng xanh từ các doanh nghiệp là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nên đã chủ động đẩy mạnh hoạt động này từ rất sớm.

Ở tầm quốc gia, các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đều có yêu cầu về phát triển bền vững. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu, Mỹ, Nhật đều phải có lộ trình đáp ứng các yếu tố xanh, giảm phát thải và có yếu tố quan tâm tới người lao động, minh bạch thông tin…

Theo chuyên gia từ Ngân hàng, tại Việt Nam, dù có định hướng của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước nhưng vẫn thiếu khung hướng dẫn cụ thể để triển khai tài chính xanh.

Chính sách của nhà nước hiện không thiếu nhưng cần mạnh mẽ hơn và trong tương lai có thể tạo thành xu hướng dòng tiền chính dẫn dắt nền kinh tế. Muốn vậy, TS Trần Du Lịch cho rằng cần thống nhất một số điều khoản về Luật Bảo vệ môi trường; cần rõ danh mục, lĩnh vực, ngành nghề… để thống nhất tiêu chí về tín dụng xanh hoặc không xanh. Từ đó, mạnh dạn áp dụng cơ chế ưu đãi cho tín dụng xanh.

Theo đó, trong kế hoạch 5 năm tới (giai đoạn 2026-2030), nhà nước cần lấy triết lý phát triển kinh tế xanh là tiêu chí dẫn dắt. Đồng thời, ngân hàng tích cực nhưng nguồn tín dụng lại chưa dồi dào vì vẫn quản lý theo quota (hạn mức). Có thể xem xét mở rộng hạn mức tín dụng xanh hoặc bỏ luôn hạn mức đối với tín dụng xanh để khuyến khích, khi đó, dư địa cho ngân hàng thương mại triển khai cho vay xanh sẽ mạnh mẽ hơn.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tin-dung-xanh-chu-truong-tot-nhung-thieu-huong-dan-d111439.html