Tín hiệu bất ngờ từ vệ tinh 'chết' hơn nửa thế kỷ

Tín hiệu chỉ cách Trái Đất khoảng 4.500 km. Nhờ tra cứu cơ sở dữ liệu quỹ đạo, các nhà nghiên cứu tìm ra 'thủ phạm' chính là vệ tinh Relay 2 của NASA, một thiết bị viễn thông được phóng vào năm 1964.

Các nhà thiên văn học tại Úc vừa phát hiện một tín hiệu vô tuyến cực mạnh phát ra từ một vệ tinh đã ngừng hoạt động hơn 60 năm trước.

Ban đầu, nhóm nghiên cứu tại Viện Thiên văn Vô tuyến Curtin thuộc Đại học Curtin (Úc) tưởng rằng họ đang quan sát một hiện tượng thiên văn chưa từng được biết đến.

“Chúng tôi thực sự rất phấn khích, vì tưởng rằng mình đã phát hiện một vật thể bí ẩn gần Trái Đất,” Phó Giáo sư Clancy James chia sẻ.

Tín hiệu này được thu nhận bởi kính thiên văn vô tuyến ASKAP – một mạng lưới gồm 36 ăng-ten đĩa khổng lồ đặt tại vùng Wajarri Yamaji. ASKAP vốn được thiết kế để truy tìm các vụ nổ vô tuyến nhanh (Fast Radio Burst – FRB) từ những thiên hà ở rất xa.

FRB là những luồng năng lượng cực mạnh chỉ kéo dài khoảng một phần nghìn giây, và cho đến nay, nguồn gốc của chúng vẫn còn là điều bí ẩn. Nhiều nhà khoa học cho rằng các FRB có thể xuất phát từ các sao neutron với từ trường siêu mạnh, còn gọi là magnetar.

Tuy nhiên, tín hiệu mà nhóm Curtin thu được lại đến từ rất gần, chỉ cách Trái Đất khoảng 4.500 km. Nhờ tra cứu cơ sở dữ liệu quỹ đạo, họ tìm ra “thủ phạm” chính là vệ tinh Relay 2 của NASA, một thiết bị viễn thông được phóng vào năm 1964.

Relay 2 được phát triển để thử nghiệm truyền tín hiệu giữa Mỹ và châu Âu, từng giúp phát sóng Thế vận hội Tokyo 1964. Nhưng chỉ ba năm sau, nó đã hỏng cả hai thiết bị chính và trở thành rác không gian, lặng lẽ quay quanh Trái Đất suốt hơn nửa thế kỷ.

NASA phóng vệ tinh liên lạc Relay 2 vào năm 1964. Ảnh: NASA

NASA phóng vệ tinh liên lạc Relay 2 vào năm 1964. Ảnh: NASA

Điều gì khiến vệ tinh “chết” hồi sinh?

Giả thuyết chính của nhóm là hiện tượng phóng điện tĩnh điện khi tàu vũ trụ di chuyển trong không gian, electron tích tụ trên lớp vỏ kim loại, sạc dần lên đến mức gây chập điện.

“Giống như khi bạn cọ chân lên thảm rồi chạm vào bạn bè và phát ra tia lửa,” ông James ví von.

Một khả năng khác, ít chắc chắn hơn, là va chạm với vi thiên thạch cỡ chỉ 1 mm, di chuyển với tốc độ hơn 20 km/giây. Va chạm này có thể tạo ra plasma - loại khí siêu nóng và đặc, và phát ra chớp vô tuyến ngắn. Tuy nhiên, kịch bản này đòi hỏi nhiều điều kiện đặc biệt nên ít khả thi hơn.

Theo James, những tia lửa điện tĩnh điện không gây nguy hiểm cho con người nhưng hoàn toàn có thể làm hỏng vệ tinh. Vấn đề này vốn được biết đến lâu nay, và vệ tinh hiện đại đã được thiết kế để hạn chế vấn đề này. Nhưng Relay 2 thuộc thế hệ đầu, được xây dựng bằng vật liệu dễ tích điện hơn, vậy nên nó có thể hoàn toàn “chập” bất ngờ sau 60 năm bay lơ lửng.

Xem thêm: Các nhà khoa học đặt giả thuyết: Vũ trụ có thể sụp đổ trong tương lai?

Rủi ro mới: Tín hiệu giả từ rác không gian

Khám phá này cũng làm nổi bật rủi ro mới khi vệ tinh cũ hoặc rác không gian có thể tạo tín hiệu “giả” giống tín hiệu thiên văn thật.

Trong bối cảnh có gần 22.000 vệ tinh đã được phóng lên quỹ đạo, với hơn một nửa vẫn hoạt động và hàng triệu mảnh vỡ bay với vận tốc tới 29.000 km/giờ, nguy cơ rác không gian gây nhiễu các quan sát vũ trụ ngày càng đáng lo ngại.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm những chớp tín hiệu chỉ dài vài nano giây từ các thiên hà xa xôi, nhưng vệ tinh cũng có thể phát ra thứ tương tự. Chúng ta sẽ phải cực kỳ cẩn trọng,” James cảnh báo. “Càng nhiều vệ tinh được phóng lên, các thí nghiệm kiểu này sẽ càng khó thực hiện.”

Các chuyên gia khác cũng nhấn mạnh: phát hiện này là lời nhắc giới thiên văn cần cẩn trọng hơn nữa, để không nhầm lẫn tín hiệu vô tuyến từ thiên hà xa xôi với tia lửa điện bất ngờ từ những “xác” vệ tinh gần Trái Đất.

Khánh Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-hieu-bat-ngo-tu-ve-tinh-chet-hon-nua-the-ky.753574.html