Tín hiệu bùng nổ tăng trưởng kinh tế Mỹ từ thị trường trái phiếu, lạm phát quay lại

Thị trường trái phiếu Mỹ đã bắt đầu phản ánh chính sách chi tiêu tài khóa mạnh mẽ và một sự bật dậy của tăng trưởng kinh tế...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong lúc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa còn đang tranh cãi về kế hoạch kích cầu mới, thị trường trái phiếu Mỹ đã bắt đầu phản ánh chính sách chi tiêu tài khóa mạnh mẽ và một sự bật dậy của tăng trưởng kinh tế. Trong kịch bản cực đoan, lạm phát có thể là một rủi ro.

Theo hãng tin CNBC, thông số mà thị trường trái phiếu đang theo dõi là đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ - sự khác biệt về lợi suất giữa các trái phiếu kỳ hạn khác nhau. Đường cong này đang có độ dốc lớn nhất kể từ tháng 5/2017.

ĐƯỜNG CONG LỢI SUẤT NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?

Một đường cong lợi suất với độ cong lớn thường được xem là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán và lợi nhuận doanh nghiệp. Ngược lại, một đường cong phẳng là sự cảnh báo về suy yếu tăng trưởng kinh tế.

Đường cong lợi suất được theo dõi nhiều nhất là đường cong phản ánh chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn ngắn và trái phiếu kỳ hạn dài. Trong trường hợp này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm là 0,11% và lợi suất của kỳ hạn 10 năm là 1,12%, nên chênh lệch lợi suất là 1,01%. Mức chênh lệch này cũng đang có chiều hướng rộng hơn do lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm ngày càng tăng.

Lợi suất trái phiếu diễn biến ngược chiều với giá trái phiếu: khi giá giảm thì lợi suất tăng, còn khi giá tăng thì lợi suất giảm.

"Lợi suất đang được đẩy lên bởi thực tế là cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian dài hơn", ông Jim Caron, phụ trách chiến lược vĩ mô toàn cầu của mảng đầu tư trái phiếu thuộc Morgan Stanley Investment, phát biểu.

Cũng theo ông Caron, kỳ vọng lạm phát tăng cũng đang được phản ánh vào thị trường trái phiếu.

"Thị trường đang nghĩ về một sự bùng nổ kinh tế nhờ các chính sách hỗ trợ", ông Caron nói. "Đó là động lực chủ chốt dẫn tới đường cong lợi suất ngày càng dốc".

Một nhân tố khác làm gia tăng độ dốc của đường cong lợi suất là nỗi lo về vaccine ngừa Covid-19 đã giảm bớt và vaccine đang tiếp tục được triển khai tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới - theo ông Mark Cabana, trưởng bộ phận lãi suất ngắn hạn của Mỹ thuộc ngân hàng Bank of America.

"Mọi người đang giảm bớt sự tập trung thái quá vào các rủi ro. Không ai biết 6 tháng nữa mọi chuyện sẽ thế nào, nhưng tôi cho rằng thị trường đang nhận thấy rằng một số kịch bản tồi tệ nhất sẽ không nghiêm trọng đến thế", ông Cabana nói.

Theo vị này, Bank of America mới đây đã nâng dự báo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vào cuối năm nay lên 1,75%, từ mức 1,5% hiện nay.

"Lợi suất tăng do niềm tin sẽ có thêm các biện pháp kích cầu", ông nói. "Kích cầu sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng kỳ vọng lạm phát trong dài hạn. Dần dần, thị trường sẽ giảm bớt sự tập trung vào những rủi ro suy giảm tăng trưởng, và thay vào đó tập trung vào khả năng tăng trưởng và lạm phát được đẩy nhanh".

Ở thời điểm hiện tại, thị trường tài chính Mỹ nghiêng về khả năng kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất sẽ được phê chuẩn dưới dạng có sự thu hẹp nhất định. Tuy nhiên, sau gói này, ông Biden vẫn có thể có thêm những kế hoạch chi tiêu khác, sau gói kích cầu 900 tỷ USD mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump triển khai hồi tháng 12.

"Tôi đoán gói kích cầu mới sẽ rơi vào khoảng 1 nghìn tỷ USD hoặc hơn 1 nghìn tỷ USD. Nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay", ông Caron phát biểu. "Mục tiêu bây giờ là bù đắp được khoảng hụt sản lượng kinh tế, lấy lại những gì đã mất trong năm ngoái và đưa nền kinh tế trở lại đúng xu hướng tăng trưởng trước đại dịch. Đợt kích cầu này sẽ chưa phải là cuối cùng".

KỲ VỌNG TĂNG TRƯỞNG, LẠM PHÁT ĐỀU CAO

Chiến lược gia James Paulsen thuộc The Leuthold Group thì nhấn mạnh rằng cùng với đường cong lợi suất tăng độ dốc, các dữ liệu khác cũng đang cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế Mỹ.

"Tôi nghĩ đây là một tín hiệu khá tốt về phục hồi kinh tế", ông nói. "Cá nhân tôi dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ có thể đạt 6-8% trong năm nay. Lạm phát sẽ là một phần của câu chuyện".

Theo kết quả khảo sát của Moody’s Analytics và CNBC, bình quân, các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ tăng 5% trong năm nay.

Nếu lạm phát tăng quá nóng, thì đó sẽ trở thành một nhân tố tiêu cực đối với thị trường chứng khoán và gây sức ép lên lợi nhuận của các công ty niêm yết, ông Paulsen lưu ý thêm.

Vào ngày 3/2, tỷ lệ lạm phát hòa vốn (breakeven inflation) 5 năm, một thông số của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ về kỳ vọng lạm phát, là 2,3%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Điều này có nghĩa là các nhà chuyên nghiệp kỳ vọng lạm phát sẽ bình quân ở mức 2,3% mỗi năm trong 5 năm tới.

Fed vẫn nói sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài, tiếp tục chương trình mua trái phiếu và cho phép lạm phát tiến gần tới một khoảng bình quân mà trong đó, mức lạm phát ở một thời điểm nhất định có thể vượt mục tiêu 2% mà không dẫn tới việc nâng lãi suất.

Ông Cabana nói Fed sẽ nhìn nhận kỳ vọng lạm phát tăng như một chuyển biến tích cực. "Đây chính là dạng tăng lãi suất mà Fed muốn tạo ra: kỳ vọng cao hơn cho cả tăng trưởng và lạm phát. Fed sẽ xem việc đường cong lợi suất trở nên dốc hơn là một diễn biến lành mạnh"

Theo các chiến lược gia trái phiếu, chính sách tài khóa của Mỹ là nhân tố quan trọng nhất làm tăng độ dốc của đường cong lợi suất ở thời điểm hiện tại. Sự kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa - giữa một bên là Fed duy trì lãi suất thấp và nới lỏng định lượng, và một bên là chính quyền ông Biden chủ trương chi tiêu công mạnh tay - triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ càng được cải thiện hơn.

Lần gần đây nhất lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm có sự chênh lệch như hiện nay là vài tháng sau khi ông Trump trở thành Tổng thống và thị trường đang chờ chương trình cắt giảm thuế khổng lồ của Đảng Cộng hòa.

Nhưng ở thời điểm đó, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm là 1,26% và của kỳ hạn 10 năm là 2,27%, đường cong lợi suất thực ra đang trở nên phẳng hơn từ chỗ dốc hơn trước đó, thay vì tăng độ dốc như hiện nay. Đó là bởi thị trường khi đó đã tính tới khả năng Fed thắt chặt chính sách vì nền kinh tế đã tăng trưởng ổn định rồi.

An Huy

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/tin-hieu-bung-no-tang-truong-kinh-te-my-tu-thi-truong-trai-phieu-lam-phat-quay-lai-20210204105937533.htm