Tín hiệu khởi sắc cho các doanh nghiệp phát triển điện gió tại Việt Nam
Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam, trong đó, điện gió luôn được xác định là giải pháp trong dịch chuyển nguồn năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hướng đến thực thi cam kết tại COP27.
Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW. Đặc biệt, gần 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt, với tốc độ gió ở độ cao 65m là 7-8 m/giây. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/QĐ - TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ - TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; thời gian hơn 3 năm qua, đã có sự phát triển nhanh chóng của các nguồn điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam. Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, theo thống kê của EVN và các địa phương, trong tổng số 78.121 MW công suất lắp đặt nguồn điện hiện có trên toàn quốc có 16.545 MW điện mặt trời (gồm 8.904 MW điện mặt trời tập trung và 7.660 MW điện mặt trời mái nhà) cùng 4.126 MW điện gió đã vào vận hành, đã được hưởng giá FIT theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các loại nguồn điện gió, mặt trời và điện khí gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Việc các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch chưa có tính liên tục và đang bị gián đoạn như điện mặt trời bị chậm lại (sau 01/01/2021) và gần đây là điện gió (sau 01/11/2021) là điểm nghẽn cần được khơi thông. Do đó, mặc dù được đánh giá là nguồn năng lượng quan trọng trong kịch bản chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ của Việt Nam, các nhà đầu tư hiện vẫn đang phải chờ đợi một cơ chế chính sách giá mới từ Chính phủ sau khi chính sách giá FIT hết hiệu lực.
Thực hiện Thông tư 15/2022/TT-BCT, EVN đang phối hợp với Bộ Công Thương, tính toán khung giá cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Theo đó, EVN đã tính toán theo bốn phương án, và chọn ra giá trị nhỏ nhất cho mỗi loại hình điện trong bốn phương án này. Giá điện gió sẽ giảm khoảng 20-25% so với mức giá FIT trong khi giá điện mặt trời đề xuất thấp hơn 50% và chỉ ở mức 1.188đồng/kWh. Theo nhiều ý kiến, đây là một tín hiệu đáng mừng cho nhà đầu tư nhưng việc đề xuất một mức giá quá thấp có thể sẽ không mang tính hỗ trợ tốt để các dự án vận hành hiệu quả và các doanh nghiệp phát triển điện mặt trời sẽ gặp nhiều khó khăn hơn điện gió.
Về quy hoạch nguồn điện, Tờ trình Chính phủ ngày 13/10/2022 của Bộ Công Thương về hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII đã có những chỉnh sửa đáng kể so với bản Dự thảo hồi tháng 4/2022. Cụ thể, bản dự thảo mới đã tiếp thu và điều chỉnh những thông tin quan trọng, trong đó tiếp tục nâng cao tầm quan trọng của năng lượng tái tạo; điện gió là nguồn được ưu tiên phát triển số một.
Bản dự thảo T11/22 đề cao tầm quan trọng của điện gió khi tiếp tục nâng tỷ trọng đóng góp của nguồn điện này trong cơ cấu nguồn điện quốc gia giai đoạn 2022-2050. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kép công suất điện gió sẽ đạt mức 16% trong giai đoạn 2022-2045, trong đó, công suất điện gió trên bờ sẽ đạt mức 28.480MW năm 2030 và 153.550MW vào năm 2050, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2030-2050 là 8,8%/năm. Bên cạnh đó, dự kiến Việt Nam sẽ đưa vào vận hành 7.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên trong giai đoạn 2022-2030, sau đó tăng trưởng công suất điện gió sẽ tăng tốc và đạt 87.500MW trong 2050. Ngoài ra, xu hướng giảm giá chi phí quy dẫn (LCOE) cũng là một yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự bùng nổ của nguồn điện này trong tương lai. Quy hoạch Điện VIII dự kiến giá điện gió trên bờ sẽ giảm từ 7,74 UScent/kWh giai đoạn trước năm 2025 xuống mức 6,35 UScent/kWh trước năm 2030 và 5,3 UScent/kWh trước năm 2050.
Những thông tin trên là tín hiệu vô cùng tích cực đối với toàn ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Cơ chế giá mới sớm được thông qua và Dự thảo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ mở ra cơ hội phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đang sở hữu những dự án điện gió đang phải loay hoay trong bối cảnh vướng mắc hiện tại.
Đơn cử, Công ty Cổ phần FECON (FCN) là một trong những doanh nghiệp nổi bật, đang từng bước phát triển mạnh mẽ xây dựng công nghiệp, đặc biệt là các dự án điện gió - một trong các mảng kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2023. Hiện nay, FECON là đơn vị duy nhất có quyền sử dụng sáng chế “Phương pháp xây dựng móng trụ đỡ Tuabin gió của máy phát điện bằng sức gió ở vị trí nước nông gần bờ” theo bản quyền công nghệ của tập đoàn CTE (Cộng hòa Pháp) trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm giải pháp xây dựng, quy trình sản xuất và lắp đặt móng tua bin điện gió tiết diện W tại các dự án điện gió gần bờ yêu cầu công nghệ thiết kế và kinh nghiệm thi công rất cao. Công nghệ này được đánh giá sẽ giúp tiết kiệm 30% đến 50% chi phí so với các phương pháp nước ngoài đang được sử dụng tại Việt Nam.
Mới đây nhất, FECON đã bắt tay với Corio Generation, một tập đoàn hoạt động chuyên về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, khai thác năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, để cùng hợp tác trong dự án điện gió ngoài khơi, công suất 500 MW tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với năng lực, kinh nghiệm và uy tín đã được khẳng định trên thị trường - năm 2023 FECON hứa hẹn sẽ là một doanh nghiệp trọng điểm trên nhiều mảng như hạ tầng, điện gió, nhiệt điện, công nghiệp, giữ vững vị thế của mình để tiếp tục trên hành trình trở thành nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam.