Tín hiệu lạc quan từ sự phục hồi của nền kinh tế

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng nhiều gói hỗ trợ được triển khai, sự đồng hành với những giải pháp gỡ khó của tỉnh thời gian qua đã có những tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân.

Dù vẫn còn khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng để duy trì sản xuất

Nỗ lực duy trì sản xuất

Chị Nguyễn Thanh Xuân, nhân viên Công ty TNHH P.H Việt Nam, DN chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu có trụ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 2, TP.Dĩ An, cho biết gắn bó với công ty trong 20 năm qua chưa bao giờ công ty lại thiếu đơn hàng sản xuất như trong 2 năm vừa qua. Theo chị Xuân, cùng với nhiều lĩnh vực khác, DN ngành gỗ từ sau dịch bệnh Covid-19 đơn hàng sụt giảm. Từ 4.500 công nhân, công ty phải cắt giảm chỉ còn gần 1.500 công nhân để duy trì hoạt động sản xuất. Công ty đã chủ động duy trì sản xuất các sản phẩm chủ lực để đón đầu nhu cầu thị trường khôi phục trở lại.

“Đầu tháng 6 vừa qua, công ty bắt đầu có những đơn hàng mới từ khách hàng truyền thống tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các đơn hàng này chỉ đáp ứng việc làm trong thời gian 2-3 tháng. Số lượng đơn hàng tuy không nhiều, nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế, sức tiêu dùng của thị trường khởi sắc, DN ngành gỗ từng bước phục hồi, đưa lao động trở lại nhà máy”, chị Xuân chia sẻ.

6 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 151.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 15,1 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 10,78 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách ước đạt 31.550 tỷ đồng, đạt 48% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 42% dự toán HĐND tỉnh thông qua, bằng 91% so với cùng kỳ...

Tương tự, ông Nguyễn Tất Chánh, Giám đốc Nhà máy Công ty TNHH Công nghiệp King Jade Việt Nam, cho biết lĩnh vực ngành gỗ có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường. Tuy chưa thể trở lại mạnh mẽ nhưng công ty vẫn duy trì hoạt động với những đơn hàng còn lại, đồng thời chủ động sản xuất trước để tạo việc làm cho 1.500 lao động hiện có.

Theo ông Nguyễn Tất Chánh, để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ổn định đời sống công nhân lao động, từ đầu năm đến nay UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả DN tìm kiếm thị trường mới, đơn hàng mới, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Công ty cũng kỳ vọng trong 6 tháng còn lại cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều đơn hàng để duy trì hoạt động, phục hồi và phát triển trở lại.

Đánh giá chung cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trên các lĩnh vực kinh tế chủ lực của tỉnh dù vẫn còn khó khăn, nhưng đa phần đã có tín hiệu trên đà hồi phục. Nhiều DN ngành giày da, may mặc, cơ khí chế tạo... đều khôi phục phần nào thị trường truyền thống, xúc tiến tìm kiếm được thị trường mới để ổn định sản xuất.

Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh

Ông Ngô Văn Mít, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 do diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh trên cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Qua điều tra tổng hợp trên địa bàn tỉnh, sức mua thị trường bán lẻ trong nước phục hồi chậm, vốn đầu tư công đạt thấp, tín dụng toàn nền kinh tế đã có tăng trưởng nhưng thấp hơn các năm trước.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho DN. Kết quả, tổng sản phẩm GRDP trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù GRDP của tỉnh tuy chưa đạt được kỳ vọng nhưng đây là kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của một số tỉnh, thành phố cũng rất thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Theo khảo sát của Cục Thống kê Bình Dương, gần 65% DN tin tưởng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và tăng trưởng trong quý III. Khảo sát tại 413 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy có 26,4% DN dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn; 38,5% DN dự báo tình hình ổn định. Về số lượng đơn hàng mới của ngành chế biến chế tạo trong quý III, có 24,4% DN dự báo có số đơn hàng mới tăng; 38,3% DN dự báo có số đơn hàng mới ổn định.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, NHNN đã có liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nhằm giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế. Việc giảm lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm chi phí vay từ NHNN, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng và luân chuyển vốn. Thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng cũng đã có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay. Từ đó sẽ có tác động tích cực hơn đối với tăng trưởng tín dụng và kích thích nền kinh tế từ nay đến hết năm 2023.

6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút 974 triệu USD gồm 44 dự án mới, 22 dự án điều chỉnh tăng vốn và 68 dự án góp vốn mua cổ phần. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.120 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD, đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, đứng đầu là Đài Loan với 870 dự án, tổng số vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD; thứ hai là Nhật Bản với 346 dự án, tổng số vốn đầu tư 5,9 tỷ USD; thứ ba là Singapore với 283 dự án, tổng số vốn 5,5 tỷ triệu USD.

MINH DUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tin-hieu-lac-quan-tu-su-phuc-hoi-cua-nen-kinh-te-a300493.html