Tín hiệu thúc đẩy trật tự thế giới mới trong 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump
Từ khẳng định quyền lực ở Tây bán cầu, điều chỉnh cam kết tại châu Âu, Trung Đông, đến linh hoạt quan hệ với Trung Quốc và Nga, ông Trump đang tái định hình trật tự địa chính trị toàn cầu, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.
Theo nhận định của Giáo sư An ninh Quốc tế Stefan Wolff tại Đại học Birmingham với báo The Conversation mới đây, sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump được giới chuyên gia nhận định như một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Với phong cách ngoại giao mạnh mẽ và không theo quy tắc truyền thống, ông Trump đang định hình lại trật tự địa chính trị toàn cầu.
Chiến lược tái định vị quyền lực
Trong 100 ngày đầu tiên, Tổng thống Trump tỏ rõ ý định thu hẹp cam kết của Mỹ tại một số khu vực, đồng thời tăng cường ảnh hưởng tại các địa bàn then chốt. Điều này thể hiện rõ qua ba trọng tâm chính:
Thứ nhất, khẳng định quyền lực tại Tây bán cầu: Tổng thống Trump tập trung vào việc tăng cường sự thống trị của Mỹ tại châu Mỹ. Các động thái như đề xuất mua lại Greenland, đe dọa can thiệp vào Canada và Kênh đào Panama cho thấy ông Trump sẵn sàng sử dụng cả các biện pháp ngoại giao cứng rắn và kinh tế để mở rộng ảnh hưởng.
Thứ hai, thu hẹp cam kết tại châu Âu và Trung Đông: Tổng thống Trump tiếp tục chính sách yêu cầu các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng. Hiện tại, Washington đang gánh 68% tổng chi tiêu của NATO, so với 28% của các nước châu Âu.
Ở Trung Đông, chiến lược của ông Trump tập trung vào việc làm trung gian cho các thỏa thuận mà vẫn bảo vệ lợi ích của Mỹ. Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, cùng tiềm năng bình thường hóa quan hệ Israel - Saudi Arabia, là những ví dụ điển hình.
Thứ ba, quan hệ với Trung Quốc và Nga: Ông Trump thể hiện sự linh hoạt trong quan hệ với Trung Quốc. Ông vừa sử dụng giọng điệu cứng rắn, vừa mở ra khả năng đàm phán. Việc mời Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) tham dự lễ nhậm chức là một tín hiệu ngoại giao đáng chú ý. Đối với Nga, ông Trump hứa hẹn một thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Ukraine, với mục tiêu giải phóng nguồn lực để tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến lược của Tổng thống Trump không phải không có rủi ro: Sự không chắc chắn và khả năng gây bất ổn trong quan hệ quốc tế luôn hiện hữu. Tỷ phú Elon Musk, một đồng minh thân cận của ông Trump, thậm chí còn công khai ủng hộ việc thay đổi chính phủ tại Anh và Đức, cho thấy một xu hướng toàn cầu hóa chủ nghĩa dân túy đang dần hình thành.
Giáo sư Wolff lưu ý, với việc đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, ông Trump có đủ quyền lực để thực thi các chính sách của mình. Nhiệm kỳ này có thể là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Trump và tân Tổng thống Mỹ dường như đang quyết tâm để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử ngoại giao.