Tín hiệu tích cực từ cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Trump

Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ tối 4/4 được giới chuyên gia kinh tế và đặc biệt là các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng đánh giá cao và bày tỏ hy vọng những kết quả tốt đẹp trong quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Cuộc điện đàm Tổng Bí thư Tô Lâm tối 4/4 với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, về quan hệ thương mại song phương, trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Cuộc điện đàm đã được giới chuyên gia kinh tế và đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đánh giá cao và bày tỏ hy vọng những kết quả tốt đẹp trong quan tệ thương mại, xuất nhập khẩu của Việt nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tới 20% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tới 20% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Theo bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tới 20% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch dao động từ khoảng 1,7 - trên 2 tỷ USD/ năm. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực vào thị trường này là tôm và cá ngừ chiếm vị trí số 1, và mặt hàng cá tra thì là thị trường số 2. Vì thế, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm tối 4/4 với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump thực sự mở ra nhiều hy vọng cho ngành thủy sản của Việt Nam.

“Đây thực sự là một tín hiệu vô cùng tích cực cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung đánh giá rất cao, rất cảm kích và biết ơn Đảng và Chính phủ, đặc biệt là việc quyết định điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ là một bước ngoặt mà hy vọng rằng chính quyền Mỹ sẽ có những thay đổi theo chiều hướng thuận lợi hơn về chính sách thuế với Việt Nam”, bà Lê Hằng phấn khởi.

Phó Tổng Thư ký VASEP hy vọng chính quyền Mỹ sẽ thay đổi thuế xuống mức thấp nhất có thể cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cho ngành thủy sản.

“Nếu xét về mặt đối ứng thì các sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam và Mỹ trong thương mại hoàn toàn là bổ sung cho nhau. Do vậy, sẽ là một cái lợi thế nếu chính quyền Việt Nam có thể tận dụng để đàm phán với phía chính phủ Mỹ theo các dòng hàng để tính thuế được ứng phù hợp cho từng ngành hàng, trong đó có thủy sản”, Phó Tổng Thư ký VASEP nói.

Là tổ chức đại diện ngành logistics, với vai trò tư vấn chính sách và cung cấp giải pháp logistics/quản lý chuỗi cung ứng, ông Trần Chí Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) ghi nhận việc Tổng Bí thư có cuộc điện đàm ngay lập tức và đặt vấn đề Việt Nam sẵn sàng đàm phán để dẫn đến mức thuế bằng 0 là một hành động rất nhanh của Việt Nam.

“Đã có phản ứng nhanh nhạy và nhất quán từ lãnh đạo Đảng cũng như lãnh đạo Chính phủ, chủ trương xuyên suốt đó là việc mình mở cửa để hợp tác với tất cả các nước trên thế giới và hợp tác bình đẳng. Chúng tôi cũng rất hào hứng và ngay lập tức suy nghĩ những biện pháp để hành động theo hướng đó, chứ không phải là phòng vệ khi bị đánh thuế, mà mình sẽ suy nghĩ cách nào đấy để đạt được mục đích chính và chắc chắn vẫn là mục tiêu thương mại công bằng. Trên cơ sở đó, tìm những biện pháp tối ưu hóa dòng hàng, dòng tiền, phân tích chuỗi giá trị và cũng là một cơ hội để mình làm minh bạch hóa những chuỗi cung ứng”, ông Trần Chí Dũng cho biết.

Sự chủ động điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đã được giới chuyên gia đánh giá cao và cho rằng sẽ có nhiều tiến triển tốt đẹp trong việc đàm phán giữa hai bên về mức thuế cụ thể cho từng lĩnh vực, ngành hàng cũng như triển vọng thị trường chứng khoán và đầu tư trong thời gian tới.

“Về cơ bản cuộc đàm phán là điều cả hai bên đều mong đợi. Ngay cả khi mà ông Trump đưa ra bảng thuế mới thì họ nói rằng các nước đừng vội trả đũa mà họ sẵn sàng ngồi bàn đàm phán, nghĩa là mình chủ động liên hệ với họ thì cũng là một tín hiệu đáng mừng. Các nước họ cũng chủ động liên hệ để đàm phán về mức thuế đó, tôi tin rằng khi 2 bên ngồi vào đàm phán với nhau, các mức thuế có thể giảm xuống thấp hơn mức sơ bộ hiện tại họ đưa ra ban đầu rất nhiều...”, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump tối qua 4/4.

“Ông Trump cũng đã viết trên mạng xã hội Truth Social là hài lòng về cuộc thảo luận một cách rất tích cực giữa ông và Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên đã thỏa thuận với nhau sẽ tiếp tục đàm phán để giải quyết những vấn đề nổi lên về thương mại. Hy vọng là cuộc điện đàm sẽ dẫn đến những cuộc thảo luận và đàm phán sẽ đi đến những kết quả có lợi cho cả hai bên. Cuộc điện đàm như vậy sẽ khởi đầu cho những cuộc đàm phán một cách rất tích cực, thiện chí giữa Việt Nam và Hoa kỳ”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tin-hieu-tich-cuc-tu-cuoc-dien-dam-cua-tong-bi-thu-to-lam-voi-tong-thong-trump-post1189858.vov