Tín hiệu tích cực từ những dự án giảm nghèo do Liên minh HTX làm chủ đầu tư
Năm 2024, Liên minh HTX tỉnh chủ trì và thực hiện chuyển tiếp 6 dự án giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh. Theo đó, đơn vị đã phối hợp, chỉ đạo và kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án. Sau thời gian triển khai thực hiện, các dự án đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần tạo sinh kế cho người dân, nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân vùng dự án cũng như năng lực quản lý của cán bộ địa phương.
Trong câu chuyện kể về việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (Thường Xuân) Vi Văn Thắng cho biết: Xã có 5 thôn đặc biệt khó khăn, vừa xa trung tâm, giao thông chưa phát triển mà người dân cũng hạn chế về năng lực sản xuất. Do đó, khi địa phương được lựa chọn, tiếp cận với dự án giảm nghèo, xã luôn ưu tiên người dân các thôn khó khăn tham gia dự án. Đơn cử như gần đây nhất là việc tham gia dự án Liên kết chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm do Liên minh HTX làm chủ đầu tư. UBND xã đã rà soát và lựa chọn 61 hộ dân tham gia dự án. Và, sau gần 3 tháng triển khai, 95,4% số gà giống đã sinh trưởng và phát triển ổn định, các hộ dân đã tìm được đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Minh chứng cho lời nói của mình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc đưa chúng tôi đi thăm một số hộ dân tham gia dự án. Hầu hết đàn gà đã đạt trọng lượng thương phẩm; kỳ vọng mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân. Tại thôn Pà Cầu, có khoảng 15 hộ dân tham gia dự án, mặc dù được đánh giá là thôn khó khăn, trình độ sản xuất của người dân không đồng đều, song khi bắt tay vào dự án, kết quả thu được rất bất ngờ. Ông Cầm Bá Xuân ở thôn Pà Cầu cho biết: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, được hỗ trợ 56 con gà giống. Nhờ được đơn vị liên kết tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc nên gia đình áp dụng triệt để, 100% số gà sinh trưởng, phát triển ổn định, dự kiến doanh thu đạt khoảng 10 triệu đồng. Chúng tôi sẽ sử dụng nguồn thu này để tiếp tục mua giống, tái đàn phát triển kinh tế.
Trên địa bàn xã Xuân Lộc còn có hàng chục hộ tham gia dự án, có tỷ lệ sống từ 98-100%, mang lại nguồn thu ổn định và góp phần nâng cao trình độ, khả năng ứng dụng kỹ thuật sản xuất vào thực tế của người dân. Từ thành công bước đầu của dự án đã mở ra sinh kế mới để người dân yên tâm phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo tại địa phương.
Cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Dự án sản xuất lúa nếp hạt cau gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (thuộc Dự án 2 - Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024), 136 hộ dân thuộc các thôn Tré, Man Môn và Khiêng, xã Hạ Trung (Bá Thước) không chỉ có thêm thu nhập từ sản xuất mà còn tìm được hướng phát triển bền vững cho nghề nông truyền thống.
Theo dự án, tại vụ mùa 2024, 13 hộ nghèo, 33 hộ cận nghèo, 7 hộ mới thoát nghèo và 83 hộ không nghèo tại địa phương được hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất 17,3ha lúa nếp hạt cau. Đồng thời được đơn vị chủ trì liên kết ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho toàn bộ sản lượng. Bà Lò Thị Biên, người dân ở thôn Khiêng cho biết: Dù nghề chủ yếu của chúng tôi là nông nghiệp, song kỹ thuật sản xuất khá lạc hậu. Do đó, khi tiếp nhận dự án, bên cạnh việc được cung ứng giống, phân bón, đơn vị chủ trì liên kết còn hỗ trợ bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và thu hoạch. Trong đó, việc sản xuất được ứng dụng cơ giới hóa ở nhiều khâu giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Thông qua việc hỗ trợ dự án, gia đình tôi và người dân địa phương được tiếp cận với phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến và nhất là việc liên kết bao tiêu sản phẩm, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Được biết, năng suất của vùng sản xuất lúa nếp hạt cau thuộc dự án sản xuất lúa nếp hạt cau gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt khoảng 38-40 tạ/ha, doanh thu khoảng 65-70 triệu đồng/ha, cao hơn 1,2 lần so với sản xuất truyền thống của người dân. Với hiệu quả như trên hầu hết các hộ dân tham gia dự án đều đăng ký để mở rộng sản xuất ở những vụ tiếp theo và duy trì liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm.
Thực tế cho thấy, để đánh giá được đầy đủ hiệu quả của các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cần có thời gian liên kết ít nhất là 3 chu kỳ sản xuất. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm tra, cho thấy 6/6 dự án hỗ trợ sản xuất do Liên minh HTX tỉnh làm chủ đầu tư đã bước đầu phát huy được hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của các hộ dân trực tiếp được thụ hưởng... Đồng thời, từng bước hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và XDNTM ở các địa phương nghèo trên địa bàn tỉnh.